LÀM TỐT KIỂU BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI (NĂM HỌC 2016 - 2017).

Trung tâm gia sư - dạy kèm tại nhà NTIC xin giới thiệu phần LÀM TỐT KIỂU BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI (NĂM HỌC 2016 - 2017). nhằm hổ trợ cho các bạn có thêm tư liệu học tập. Chúc các bạn học tốt môn học này.

Ngày đăng: 16-09-2016

9,057 lượt xem

Xuất phát từ yêu cầu đổi mới của đất nước, bắt đầu năm 2015 BGD chỉ tổ chức một kỳ thi THPT Quốc gia (2 trong 1) làm căn cứ để công nhận Tốt nghiệp THPT và lấy đó làm căn cứ để xét tuyển ĐH – CĐ…Cho nên môn Văn đã có một vị trí quan trọng trong kỳ thi Quốc gia nói riêng và trong học bạ lớp 12 nói chung.

Theo cấu trúc đề thi môn Ngữ văn mới nhất của BGD là có 2 phần:
 

I. Phần đọc hiểu (3,0 điểm)
 

II. Phần làm văn (7,0 điểm) phần này có 2 câu:
Câu 1 (3,0 điểm) là viết một bài văn nghị luận xã hội (khoảng 600 từ).
Câu 2 (4,0 điểm) là viết một bài văn nghị luận văn học.
Như vậy, nếu nhìn riêng trong cấu trúc đề thi thì bài văn NLXH đã chiếm một vị trí cũng khá đặc biệt (3/10 điểm bài thi), còn trong chương trình môn Ngữ Văn 12 nói chung thì Bài viết số 1 và Bài viết số 2 đều là kiểu văn NGHỊ LUẬN XÃ HỘI có điểm hệ số 2. Những điều nói trên để cho chúng ta thấy kiểu văn NLXH là rất quan trọng đối với HS lớp 12. Nhưng trên thực tế, HS chưa thuần thục với kiểu văn này, còn mơ hồ chung chung về các dạng đề và phương pháp làm bài văn NLXH. Nguyên nhân là ở những lớp dưới các em ít làm bài văn dạng đề này (nếu có thì cũng chưa có sự phân dạng đầy đủ). Cụ thể là đề thi tuyển sinh vào lớp 10 những năm 2015, 2016 của Sở giáo dục và đào tạo Bình Định không có câu riêng về NLXH; còn ở phân phối chương trình môn Ngữ văn lớp 10 – 11 chỉ vỏn vẹn có 3 bài viết về văn nghị luận xã hội trong hai năm. Trước tình hình đó, trên trang FB này Thầy sẽ đồng hành giúp các em thông hiểu, nắm chắc và viết tốt về BÀI LÀM VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI theo yêu cầu đổi mới của BGD hiện nay.


1. Thế nào là bài văn nghị luận xã hội?
- NLXH được phân biệt với nghị luận văn học ở vấn đề, nội dung nghị luận. Đó là bài văn bàn đến một tư tưởng, đạo lí, một vấn đề chính trị - xã hội hoặc một hiện tượng đời sống.
2. Phân dạng: Hiện nay, học sinh THPT được học 3 dạng bài về NLXH:
- Một là dạng nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.
- Hai là dạng nghị luận về một hiện tượng, sự kiện trong đời sống.
- Ba là dạng nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học (Dạng bài nghị luận tổng hợp).
Ví dụ:

 

- Đề 1: Có ba điều khó: giữ một điều bí mật, chịu đựng sự xúc phạm và sử dụng thời gian nhàn rỗi. Anh (chị) có nghĩ như vậy không? 
 

- Đề 2: Viết một bài văn ngắn nói lên suy nghĩ của anh (chị) về chủ đề: “Tiền và hạnh phúc”.
 

- Đề 3: “Đừng thấy điều thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy điều ác nhỏ mà làm”.
Anh (chị) hãy trình bày những suy nghĩ của mình về lời khuyên nói trên.
=> Đề 1,2,3 thuộc dạng nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.

 

- Đề 4: Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông hiện nay. 
 

- Đề 5: Viết một bài văn nghị luận với chủ đề “Bảo vệ thiên nhiên”.
 

- Đề 6: Viết một bài văn nghị luận với chủ đề “Bảo vệ môi trường sống”.
 

- Đề 7: Viết một bài văn nghị luận với chủ đề “Nghề nghiệp và cuộc sống”.
=> Đề 4,5,6,7 thuộc dạng nghị luận về một hiện tượng, sự kiện trong đời sống.

 

- Đề 8: Bài thơ sau gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về “nơi dựa” trong cuộc sống?
NƠI DỰA (Nguyễn Đình Thi)
(Xem văn bản bài thơ trong SGK Ngữ văn lớp 10, tập 2, trang 121-122)

 

- Đề 9: Bài thơ sau gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về tình mẫu tử trong xã hội hiện nay?
MẸ VÀ QUẢ (Nguyễn Khoa Điềm)
(Xem văn bản bài thơ trong SGK Ngữ văn lớp 10, tập 2, trang 130)

 

- Đề 10: Từ truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao, anh (chị) có suy nghĩ gì về vấn đề định kiến đối với những người có lầm lạc trong cuộc sống.
 

- Đề 11: Qua bài thơ “Từ ấy” của Tố Hữu, anh (chị) có suy nghĩ gì về vấn đề lí tưởng trong cuộc sống?
=> Đề 8,9,10,11 thuộc dạng nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.

 

* Lưu ý: Có khi vấn đề nêu ra vừa có ý nghĩa của một tư tưởng, đạo lí, vừa có ý nghĩa của một hiện tượng, sự kiện trong đời sống. Đề thi thường là những vấn đề tư tưởng, đạo lí có ý nghĩa thời sự, thiết thực đối với cuộc sống đương thời.
 

Ví dụ 1: “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa” (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối D, năm 2012).
 

Ví dụ 2: “Như một thứ a-xít vô hình, thói vô trách nhiệm ở mỗi cá nhân có thể ăn mòn cả một xã hội” (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối C, năm 2010).
 

3. DẠNG 1: NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TƯ TƯỞNG, ĐẠO LÍ.
 

3.1- Những yêu cầu chung của dạng bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí.
 

a) Phạm vi đề tài:
- Đề tài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí thường là quan điểm về đạo đức, lẽ sống, về văn hóa, tín ngưỡng, phương pháp tư tưởng….Cụ thể là những vấn đề chung này bao gồm các nội dung vô cùng phong phú:
+ Về nhận thức: lí tưởng, mục đích sống, nghề nghiệp…
+ Về tâm hồn, tính cách: lòng yêu nước, nhân ái, vị tha, bao dung, độ lượng; tính trung thực, dũng cảm, chăm chỉ, cần cù, thái độ hòa nhã, khiêm tốn; thói ích kỉ, ba hoa, vụ lợi,…
+ Về các quan hệ gia đình: tình mẫu tử, tình phụ tử, tình anh em,…
+ Về quan hệ xã hội: tình đồng bào, tình thầy trò, tình bạn,…
+ Về cách ứng xử, những hành động của mỗi người trong cuộc sống,….
=> Nói tóm lại, các em cần Ghi nhớ:
- Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí là bàn về một vấn đề thuộc tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách…của con người.
- Dạng đề này thường lấy một câu danh ngôn, một câu thơ/ đoạn thơ, một câu văn/ đoạn văn, một câu chuyện ngắn giàu ý nghĩa triết lí hay một nhận định, một đánh giá nào đó để yêu cầu người viết bàn luận.
Ví dụ: Xem lại các Đề 1,2,3 ở trên.

 

b) Yêu cầu chung:
- Đề bài dạng này thường yêu cầu làm sáng tỏ các vấn đề tư tưởng, đạo lí bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích…để chỉ ra chỗ đúng (hoặc chỗ sai) của tư tưởng ấy nhằm khẳng định quan niệm của người viết. Vì vậy, các thao tác lập luận cơ bản thường được sử dụng trong kiểu bài này là: giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, so sánh, bình luận.
- Bài văn nghị luận xã hội nói chung, nghị luận về tư tưởng, đạo lí nói riêng cần phải có luận điểm rõ ràng; luận cứ cụ thể, thuyết phục; lập luận chặt chẽ, xác đáng.

 

c) Các dạng đề nghị luận về một tư tưởng, đạo lí:
Căn cứ vào đề tài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí, có thể hệ thống thành một số dạng đề như sau:
- Nghị luận bàn về quan điểm đạo đức (tốt – xấu, thiện – ác, chính nghĩa – gian tà, vị tha – ích kỉ...); lí tưởng sống; lối sống/ thái độ sống (tích cực – tiêu cực, ý thức – vô ý thức, có văn hóa – vô văn hóa,...). Ví dụ:
(1) “Đừng thấy điều thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy điều ác nhỏ mà làm”.
Anh (chị) hãy trình bày những suy nghĩ của mình về lời khuyên nói trên.
(2) Nhà văn Nga Lép Tôn-xtôi nói: “Lí tưởng là ngọn đèn chỉ đường. Không có lí tưởng thì không có phương hướng kiên định, mà không có phương hướng thì không có cuộc sống”.
Anh (chị) hãy nêu suy nghĩ về vai trò của lí tưởng trong cuộc sống con người.
(3) “Sống đẹp” đâu phải là những từ trống rỗng
Chỉ có ai bằng đấu tranh, lao động
Nhân lên vẻ đẹp cuộc đời
Mới là người sống cuộc sống đẹp tươi.”
Những vần thơ trên của thi hào người Đức G. Bê-khe gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về sự phấn đấu của tuổi trẻ học đường hiện nay? Hãy viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị.
(4) “Biết tự hào về bản thân là cần thiết nhưng biết xấu hổ còn quan trọng hơn” (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối C, năm 2011).
(5) “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa” (Đề thi tuyển sinh Đại học, Khối D, năm 2012).
- Nghị luận bàn về các quan hệ xã hội, tình đồng loại, tình cốt nhục, tình bạn, tình yêu,…Ví dụ:
(1) Viết một bài văn ngắn (khoảng 600 từ) bàn về ý kiến của Bersot: “Trong vũ trụ có lắm kì quan, nhưng kì quan đẹp nhất là trái tim của người mẹ”.
(2) Có ý kiến cho rằng: “Chân thật và thẳng thắn là bước đầu cần thiết làm nảy nở và củng cố mối quan hệ bạn bè” (Lê-nin).
Anh (chị) có suy nghĩ gì về câu nói trên?
(3) Phải chăng “Bạn là người đến với ta khi mọi người đã bỏ ta đi”?
(4) “Yêu là tên gọi khác của sự hiểu nhau” (Ta-go).
Anh/ chị hãy bình luận câu nói trên. 
- Nghị luận bàn về một quan niệm, ý kiến về văn hóa, giáo dục, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng…Ví dụ:
Suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến của Hen-ri-ốt: “ Văn hóa là cái gì còn lại khi người ta quên hết cả, là cái gì vẫn thiếu khi người ta đã học tất cả”.
- Nghị luận bàn về phương pháp tư tưởng. Ví dụ: Ê-đi-xơn cho rằng: “Nhiệm vụ quan trọng nhất của nền văn minh là dạy cho con người biết tư duy”. Anh (chị) suy nghĩ gì về ý kiến trên?

 

3.2- Cấu trúc bài làm:
Bài nghị luận về một tư tưởng, đạo lí thường được bố cục làm ba phần:
a) Mở bài: 
- Giới thiệu tư tưởng, đạo lí cần bàn luận.
- Trích dẫn ý kiến hoặc quan điểm (nếu đề đưa ý kiến, nhận định).
b) Thân bài:
b.1- Giải thích và nêu nội dung vấn đề, ý kiến cần bàn luận. Trong trường hợp cần thiết, người viết cần chú ý giải thích từ ngữ, khái niệm, cắt nghĩa nội dung cả câu hoặc các vế ở ý kiến, nhận định và rút ra ý nghĩa khái quát của vấn đề. Cần nêu vấn đề nghị luận một cách ngắn gọn, rõ ràng, tránh trình bày chung chung. Khâu này rất quan trọng, có ý nghĩa định hướng cho toàn bài văn. Nếu xác định sai, xác định không đủ vấn đề nghị luận thì toàn bộ phần sau của bài văn sẽ lạc đề hoặc bị sót ý.
* Ví dụ: Anh/ chị hãy bàn luận về câu tục ngữ: “Cái nết đánh chết cái đẹp”.
+ Cái nết: phẩm chất đạo đức, tính cách của con người.
+ Cái đẹp: hình thức bên ngoài của con người.
+ Đánh chết: không có nghĩa là làm mất, mà là sự hơn hẳn.
+ Ý cả câu: Phẩm chất đạo đức, tính cách con người hơn hẳn hình thức bên ngoài. 
b.2- Luận bàn về vấn đề, ý kiến trên các phương diện, các khía cạnh: đúng – sai, tốt – xấu, tích cực – tiêu cực, đóng góp – hạn chế….ở mức độ nào? Quá trình bàn luận này cần dựa trên những căn cứ khách quan, toàn diện và thích hợp. Thông thường, những căn cứ để bàn luận, đánh giá bao gồm: pháp lí, đạo lí dân tộc, chuẩn mực cộng đồng, truyền thống lịch sử, thực tiễn đời sống, xã hội, sự hiểu biết, trải nghiệm của cá nhân mình. Trong quá trình này, lí lẽ, lập luận và các dẫn chứng cần được kết hợp tự nhiên, nhuần nhuyễn.
+ Ý nghĩa của vấn đề, của ý kiến cần bàn luận đúng, sai,…(đối với con người, xã hội,…).
* Ví dụ: Anh/ chị hãy bàn luận về câu tục ngữ: “Cái nết đánh chết cái đẹp”.
+ Vấn đề hoàn toàn đúng: Phẩm chất, tính cách làm nên giá trị của con người.
+ Cần phải hiểu một cách linh hoạt: Không coi thường vẻ đẹp hình thức của con người. Có khi hình thức bên ngoài phản ánh phẩm chất bên trong: ăn mặc lôi thôi, luộm thuộm phản ánh tính cách cẩu thả…
+ Ý nghĩa của vấn đề:
~ Phẩm chất, tính cách của con người là quan trọng.
~ Vẻ đẹp hình thức tôn lên vẻ đẹp phẩm chất, tính cách của con người.
~ Con người cần hoàn thiện cả về vẻ đẹp phẩm chất, tính cách và vẻ đẹp hình thức (vẻ đẹp hoàn hảo của con người là cả phẩm chất bên trong và hình thức bên ngoài).
~ Nhìn nhận, đánh giá con người không nên chỉ qua hình thức bên ngoài mà quan trọng là phẩm chất, tính cách.
+ Dẫn chứng làm sáng tỏ: Trong học tập, trong công việc, không đánh giá con người ở trang phục đắt tiền, sang trọng mà ở kết quả học tập, ở hiệu quả công việc. Những người có phẩm chất đạo đức tốt luôn được mọi người yêu quý.
b.3- Bài học về nhận thức và hành động (phần này có thể đưa xuống để kết bài)
- Nhận thức của bản thân trước vấn đề đặt ra.
- Từ nhận thức chuyển biến thành hành động.
* Ví dụ: Anh/ chị hãy bàn luận về câu tục ngữ: “Cái nết đánh chết cái đẹp”.
+ Về nhận thức: Có cái nhìn đúng về con người trong cuộc sống.
+ Về hành động: Tu dưỡng về phẩm chất đạo đức, đồng thời không coi nhẹ biểu hiện hình thức bên ngoài. 
c) Kết bài: Khẳng định giá trị, sức sống của quan niệm, ý kiến nêu trong đề bài.

 

3.3- Ứng dụng (Thực hành): LẬP DÀN Ý.
Đề 1: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp” (Thân Nhân Trung).
Anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.
a) Mở bài:
- Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc luôn gắn liền với vai trò của người hiền tài.
- Sự xuất hiện của người hiền tài có thể tạo nên những bước ngoặt của lịch sử.
- Bàn về vai trò của người hiền tài, Thân Nhân Trung nói: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp”.
b) Thân bài:
- Giải thích vấn đề:
+ Hiền tài: người có tài cao, học rộng và có đạo đức.
+ Nguyên khí: chất làm nên sự sống còn và phát triển.
+ Quốc gia: đất nước, xã hội.
+ Thịnh: nhiều, giàu có.
+ Thế nước: sức mạnh của đất nước.
+ Suy: yếu, giảm.
+ Nghĩa cả câu: Hiền tài là khí chất cơ bản làm nên sự sống còn của đất nước. Người hiền tài nhiều tạo cho đất nước một sức mạnh vững chắc rồi lên cao. Người hiền tài ít ỏi, hiếm hoi sẽ làm thế nước yếu rồi xuống thấp.
+ Câu nói của Thân Nhân Trung khẳng định và đề cao vai trò quan trọng của người hiền tài đối với đất nước.
- Luận bàn vấn đề: (Thao tác: Bình luận, chứng minh,…)
+ Ý kiến của Thân Nhân Trung là hoàn toàn đúng. Người hiền tài có một vai trò quan trọng đối với đất nước. Đất nước thịnh hay suy phần lớn phụ thuộc vào sự xuất hiện của người tài.
+ Lịch sử đã chứng minh thời đại nào đất nước có nhiều người hiền tài, thời đại đó sẽ thịnh vượng, đời sống nhân dân được ấm no, hạnh phúc:
~ Triều đại nhà Lí: Lí Công Uẩn là một vị vua anh minh sáng suốt, đã quyết định dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long mở ra một triều đại Quốc thái dân an.
~ Triều đại nhà Trần: Trần Nhân Tông, Trần Thánh Tông cùng các tướng tài ba như Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Trương Hán Siêu,…đã đánh tan giặc Mông – Nguyên, giữ yên bờ cõi, đắp đê ngăn sông, phát triển kinh tế, văn hóa.
~ Thời đại Hồ Chí Minh với những tên tuổi sáng chói như: Hồ Chí Minh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp,…đã đánh đổ thực dân Pháp, đế quốc Mĩ, mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc – kỉ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội.
Triều đại nào thịnh vượng cũng chứng tỏ triều đại ấy biết quý trọng hiền tài.
+ Lịch sử cũng đã chứng minh thời đại nào “Tuấn kiệt như sao buổi sớm – Nhân tài như lá mùa thu” thì khí chất của đất nước suy vi xuống thấp: một nghìn năm Bắc thuộc, hơn tám mươi năm nhân dân ta sống dưới ách đô hộ của thực dân Pháp là một minh chứng cho sự thiếu vắng bóng dáng của người hiền tài.
- Ý nghĩa của vấn đề cần bàn luận: Thái độ đối với người hiền tài:
+ Người hiền tài có một vai trò quan trọng đối với đất nước. Do vậy, từ thời phong kiến, các bậc thánh đế, minh quân thường chăm lo bồi dưỡng người hiền tài bằng cách: tổ chức các kì thi để tuyển chọn, người đỗ đạt ban cho tước trật, bổng lộc, khắc ghi tên tuổi ở Văn miếu Quốc Tử Giám,…
+ Ngày nay, Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đến người hiền tài: thi chọn người tài, cấp học bổng cho du học ở nước ngoài; tuyển dụng vào các vị trí phù hợp,…Tránh hiện tượng chảy máu chất xám,…để những người tài năng có điều kiện cống hiến nhiều nhất cho đất nước (Năm 2015 Thành phố Hồ Chí Minh đã có chính sách thu hút người tài bằng cách trả lương cao (1 tháng/ 150 triệu đồng VN) cho những người có tài làm việc tại thành phố).
+ Phê phán những người có thái độ coi thường hiền tài.
c) Kết bài: Bài học về nhận thức và hành động:
- Hiền tài có một vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước.
- Bài học tu dưỡng, rèn luyện của bản thân để trở thành người hiền tài.

 

Đề 2: Viết một bài văn ngắn nói lên suy nghĩ của anh (chị) về chủ đề: “Tiền và hạnh phúc”. 
 

a) Mở bài:
- Trong cuộc sống, mỗi người có một quan niệm sống riêng nhưng đồng thời vẫn có những chuẩn mực chung được nhiều người thừa nhận.
- Vấn đề thường được nhiều người quan tâm là mối quan hệ giữa vật chất và tinh thần trong cuộc sống của mỗi cá nhân và của cả cộng đồng. Vấn đề tiền và hạnh phúc nằm trong sự quan tâm đó.

 

b) Thân bài:
- Giải thích vấn đề:
+ Tiền: Tiền trong vấn đề cần bàn luận không chỉ là tiền bạc mà còn có ý nghĩa rộng là chỉ của cải nói chung.
+ Hạnh phúc: Trong vấn đề cần bàn luận, hạnh phúc là nói về niềm vui, sự sung sướng, sự thỏa mãn của con người cả về đời sống vật chất và tinh thần.
- Luận bàn vấn đề:
+ Hiểu đúng vai trò của tiền tài, của cải và vai trò của hạnh phúc trong cuộc sống:
~ Vai trò của tiền tài, của cải:
. Yếu tố vật chất quan trọng trong đời sống (có tiền của, con người đỡ vất vả, đỡ khổ hơn).
. Giúp con người thực hiện được ý tưởng trong cuộc sống (muốn nghiên cứu khoa học, có tiền mua sắm trang thiết bị nghiên cứu; muốn phát triển sản xuất, có tiền mua sắm nguyên vật liệu…).
. Tính chất hai mặt của đồng tiền: nhiều khi vì lợi ích vật chất mà bỏ rơi nhân cách (có người làm giàu bằng mọi giá nên làm những điều gian dối: lừa gạt bạn bè, làm hàng giả…).
~ Vai trò của hạnh phúc trong cuộc sống:
. Yếu tố tinh thần, tình cảm quan trọng trong đời sống (hạnh phúc làm cho tâm hồn, tình cảm trở nên phong phú, con người có niềm vui, niềm lạc quan, yêu đời).
. Giúp con người vượt qua những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống (Hạnh phúc giúp con người có thêm nghị lực và niềm tin yêu đối với công việc, với cuộc đời).
. Hạnh phúc làm cho con người trở nên tốt hơn (biết quý trọng người khác, sống vị tha, nhân hậu, nhìn cuộc đời thấy đẹp hơn, đáng yêu hơn, có ý nghĩa hơn).
+ Ý nghĩa của vấn đề cần bàn luận: Mối quan hệ giữa tiền và hạnh phúc:
~ Đồng tiền chân chính góp phần tăng thêm hạnh phúc. (Bằng sức lao động chân chính, con người làm ra của cải, vật chất; sự giàu có về vật chất làm phong phú đời sống tinh thần, tình cảm).
~ Tiền không mua được tất cả. Hạnh phúc không mua được bằng tiền (Tiền có thể mua bán, trao đổi những sản phẩm vật chất; không mua bán, trao đổi được với những giá trị tinh thần, tình cảm. Có người sống trong sự giàu có về vật chất nhưng nghèo về đời sống tâm hồn, tình cảm, vì vậy cũng không có hạnh phúc).
~ Hạnh phúc chính là thứ tình cảm vô giá, không thể dùng tiền để mua. Con người tự xây dựng hạnh phúc bằng sự hiểu biết, bằng tình yêu thương. Đổ vỡ hạnh phúc là đổ vỡ tất cả.

 

c) Kết bài: Bài học về nhận thức và hành động:
- Có nhận thức đúng đắn về vai trò của tiền bạc và hạnh phúc trong cuộc sống (tránh lối sống thực dụng: tìm mọi cách hưởng thụ vật chất và lối sống ích kỉ chỉ vì bản thân mình, không quan tâm tới người khác).
- Biết đem lại hạnh phúc cho mọi người cũng là niềm hạnh phúc lớn lao đối với bản thân.

 

3.4- VIẾT BÀI VĂN:

Các em cần phải ôn lại các thao tác lập luận cơ bản thường được sử dụng trong kiểu/ dạng bài này như: giải thích, phân tích, chứng minh, bác bỏ, so sánh, bình luận…để viết thành bài văn hoàn chỉnh.
* GHI NHỚ: Trình tự làm một bài văn NLXH thuộc dạng về một tư tưởng, đạo lí, các em cần nhớ 3 bước sau đây:
Bước 1: Giải thích tư tưởng, đạo lí được nêu trong đề bài.
Bước 2: Bàn luận về vấn đề tư tưởng, đạo lí bằng các thao tác nghị luận: phân tích, chứng minh, so sánh, bác bỏ, bình luận...
Bước 3: Bài học về nhận thức và hành động: Rút ra bài học phù hợp cho bản thân.

3.5- LUYỆN TẬP TỔNG HỢP:

Anh (chị) hãy Phân tích đề - Lập dàn ý – Viết đoạn văn, bài văn nghị luận cho những đề văn sau:
 

Đề 1: Nhà bác học Louis Pasteur có câu: “Học vấn không có quê hương nhưng người có học vấn phải có Tổ Quốc”. Viết bài văn khoảng 600 từ trình bày suy nghĩ của anh (chị) về ý kiến trên. 
 

Đề 2: Hãy phát biểu ý kiến của mình về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: “Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình”.
 

Đề 3: Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về khát vọng và tham vọng của con người trong cuộc sống.
 

Đề 4: “Mất tiền bạc mất ít, mất danh dự mất nhiều, mất niềm tin mất tất cả”.
Ý kiến của anh (chị) về câu nói trên.

 

Đề 5: Tuân Tử - một nhà tư tưởng nổi tiếng của Trung Quốc từng viết: “Đường tuy gần không đi không bao giờ đến, việc tuy nhỏ không làm chẳng bao giờ nên”.
Anh (chị) viết bài văn ngắn (khoảng 600 từ) bình luận về ý kiến trên.

 

Đề 6: Anh (chị) suy nghĩ như thế nào về câu tục ngữ Tây Ban Nha: “Mẹ là trường học vĩ đại nhất của những người con”.
 

Đề 7: 
“Sống đẹp” đâu phải là những từ trống rỗng
Chỉ có ai bằng đấu tranh, lao động
Nhân lên vẻ đẹp cuộc đời
Mới là người sống cuộc sống đẹp tươi. ( Gi. Bê-Se )
Những vần thơ trên của Gi. Bê-Se ( thi hào Đức ) gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về lí tưởng và sự phấn đấu trong cuộc sống của tuổi trẻ học đường hiện nay?

 

Đề 8: Viết bài nghị luận (khoảng 600 từ) bày tỏ ý kiến của mình về phương châm: "Học đi đôi với hành".
 

Đề 9: Lê-nin đã viết: "Tôi không sợ khổ, không sợ chết. Tôi chỉ sợ không thắng nổi những phút yếu đuối của lòng tôi và đối với tôi chiến thắng vẻ vang nhất là chiến thắng bản thân".
Anh (chị) hiểu ý kiến trên của Lê-nin như thế nào và rút ra bài học tư tưởng gì cho bản thân?

 

Đề 10: Anh (chị) hãy trả lời câu hỏi sau của nhà thơ Tố Hữu:
“Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn?
(Một khúc ca)

 

Đề 11: "....Nếu là con chim, chiếc lá
Thì con chim phải biết hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình..."
Anh (chị) hiểu ý thơ trên như thế nào? Hãy trình bày hiểu biết của mình và liên hệ lẽ sống của thanh niên hiện nay.

 

Đề 12: Phải chăng "Bạn là người đến với ta khi mọi người đã bỏ ta đi"?
 

Đề 13: Suy nghĩ của anh (chị) về câu nói: "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi rằng ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay". 
 

Đề 14: Trong truyện "Buổi học cuối cùng", nhà văn Pháp An-phông-xơ Đô-đê đã đề cao vai trò của tiếng mẹ đẻ qua câu nói của thầy Ha-men: " Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù...".
Anh (chị) hiểu như thế nào và có suy nghĩ gì về lời nói ấy?

 

Đề 15: Nhà văn N. Ôxtơrôpxki viết trong tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy":
"Cái quý nhất của con người ta là đời sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình và để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: "Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời: sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người".
Hãy phân tích ý kiến trên để xác định rõ lẽ sống "cao đẹp nhất trên đời" đối với thanh niên trong thời đại hiện nay.

 

Đề 16: Phần cuối câu chuyện kể “Lỗi lầm và sự biết ơn” có viết:
“Mỗi chúng ta hãy học cách viết những đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa trên đá”. 
Hãy trình bày ý kiến của anh/chị về lời khuyên trên.

 

Đề 17: Coi trọng tình nghĩa nên cha ông ta quan niệm: “Dĩ hoà vi quý” và “Một trăm cái lí không bằng một tí cái tình” (Tục ngữ).
Từ nhận thức về những mặt tích cực và tiêu cực của lối sống trên, anh/chị hãy bày tỏ quan điểm sống của chính mình (bài viết khoảng 600 từ).

 

Đề 18: Trong việc nhận thức, F. Ăng-ghen có phương châm: “Thà phải tìm hiểu sự thật suốt đêm còn hơn nghi ngờ nó suốt đời”, C. Mác thì thích câu châm ngôn: “Hoài nghi tất cả”.
Anh/Chị hiểu thế nào về những ý tưởng trên?

 

Đề 19: Xưa Nguyễn Du nói: "Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Nay Hồ Chí Minh nói: "Có tài mà không có đức là người vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó".
Anh (chị) hiểu thế nào là "tâm - tài" của Nguyễn Du, "tài - đức" của Hồ Chí Minh và mối quan hệ của nó? Trong thời đại hội nhập, những chữ đó còn được đề cao không?

 

Đề 20: Suy nghĩ của anh (chị) về lời khuyên của Friedman: "Kĩ năng đầu tiên và quan trọng nhất mà bạn cần có trong một thế giới hiện đại là khả năng "học phương pháp học" - nghĩa là thường xuyên tiếp thu và học hỏi những phương pháp mới để làm những công việc cũ hay những phương pháp cũ để làm những công việc mới... Trong một thế giới như vậy không chỉ kiến thức mà cả phương pháp học hỏi của bạn mới tạo ra giá trị riêng. Bởi những kiến thức ngày hôm nay sẽ trở nên lỗi thời nhanh hơn bạn tưởng nhiều."
(Theo Friedman, Thế giới phẳng, NXB Trẻ, 2006)

 

Đề 21: TIẾNG VỌNG RỪNG SÂU
Có một cậu bé ngỗ nghịch thường bị mẹ khiển trách. Ngày nọ giận mẹ, cậu chạy đến một thung lũng cạnh khu rừng rậm. Lấy hết sức mình, cậu hét lớn: “Tôi ghét người”. Từ khu rừng có tiếng vọng lại: “Tôi ghét người”. Cậu hoảng hốt quay về sà vào lòng mẹ khóc nức nở. Cậu không sao hiểu được từ trong khu rừng lại có người ghét cậu.
Người mẹ nắm tay con, đưa trở lại khu rừng. Bà nói: “Giờ thì con hãy hét thật to: Tôi yêu người ”. Lạ lùng thay, cậu vừa dứt tiếng thì có tiếng vọng lại: “Tôi yêu người”. Lúc đó người mẹ mới giải thích cho cậu hiểu: “Con ơi, đó là định luật trong cuộc sống của chúng ta. Con cho điều gì con sẽ nhận điều đó. Ai gieo gió thì gặt bão. Nếu con thù ghét người thì người cũng thù ghét con. Nếu con yêu thương người thì người cũng yêu thương con."
(Theo “Quà tặng cuộc sống”, NXB Trẻ, 2004)
Trong câu chuyện trên, người mẹ đã nói với con về một định luật trong cuộc sống là gì? Anh (chị) có đồng ý với định luật đó không? Hãy nêu suy nghĩ của mình.

 

Đề 22: Trong đoạn cuối tản văn “Nên bị gai đâm”, tác giả Chu Văn Sơn viết:
“ Thế giới cần nâng niu quá đỗi. Ta sống đời lại thô tháp làm sao. Ta làm tổn thương những dòng sông. Ta làm tổn thương những mặt đầm. Ta làm tổn thương những mảnh vườn. Ta làm tổn thương những mùa hoa trái. Ta làm tổn thương những bình minh yên ả. Ta làm tổn thương những canh khuya trong vắng. Ta làm đau những niềm người quá đỗi mong manh...
Mặt đất ngàn đời quen tha thứ. Đại dương bao la quen độ lượng. Cánh rừng mênh mông quen trầm mặc. Những dòng sông quen chảy xuôi. Những hồ đầm quen nín lặng. Những nẻo đường quen nhẫn nhịn. Những góc vườn quen che giấu. Những thảm rêu vốn không biết dỗi hờn. Những đoá hoa không bao giờ chì chiết. Những giấc mơ chỉ một mực bao dung. Những yêu thương không bao giờ trả đũa...
Và ta cứ yên chí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. 
Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình : tổn thương là rỉ máu”
Suy nghĩ của anh/chị về triết lý gợi ra từ đoạn văn trên.

 

Đề 23: Trong bài thơ “Những bó hoa”, nhà thơ Văn Cao viết:
“Những bó hoa mang tới chúc tụng
Thành công một con người
Hằng ngày hằng ngày
Xây thành cái mồ chôn
Con người thành công ấy
Người ta đôi khi giết
Bằng những bó hoa.”
Suy nghĩ của anh/ chị về triết lý được gợi ra từ những câu thơ trên.

 

Đề 24: Suy nghĩ của anh/ chị về triết lý được gợi ra từ hai câu thơ sau của nhà thơ Mỹ Robert Frost: 
“ Trong rừng có nhiều lối đi 
Nhưng tôi chọn lối đi không có dấu chân người”

Nguyễn Đăng Phùng (Giáo viên Trường THPT Số 2 An Nhơn).

 

LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT


ĐÀO TẠO NTIC 

Địa chỉĐường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857 

Email: daotaontic@gmail.com

Bình luận (1)

Gửi bình luận của bạn

Captcha