GIỌT MỰC VÔ TÌNH - CẢM NHẬN VÀ LỜI BÌNH

Lại một mùa tựu trường nữa sắp về, lòng tôi bỗng xôn xao, bâng khuâng rất lạ. Thế là 3 mùa tựu trường tôi không được tung tăng cùng bạn bè đi chợ Hàn mua vải may áo dài, ngắm tìm những chiếc áo khoác len mỏng, những chiếc khăn quàng cổ mỏng manh, điệu đà.

Ngày đăng: 26-09-2016

1,955 lượt xem

Rơi vô tình trên áo trắng em thơ 
Giọt mực tím xoe tròn con mắt nhỏ 
Em không khóc nhưng ta buồn 
Vậy đó
Kỷ niệm theo mình 
Đi suốt trăm năm… 

Lạ lùng chưa 
Cứ mỗi độ trăng rằm 
Lòng lại thức bao niềm nhưng nhớ tím 
Thơ áo trắng em bây giờ kiều diễm 
Có còn thơm mùi mực thuở vô tình? 

Lạ lùng chưa 
Qua chìm nổi lênh đênh
Có lắm lúc tưởng mình quên lại nhớ 
Giọt mực tím như là con mắt mở 
Dù tâm tư ai đã khép
Lâu rồi

Giọt mực vô tình 
Giọt mực mồ côi 
Đời em đã bao lần thay áo trắng 
Ta không trách
Chỉ rưng buồn im lặng
Giọt mực thầm loang tím cả hồn hoang...


Nguyễn Ngọc Hưng.

KHÚC TÌNH CA “GIỌT MỰC VÔ TÌNH” CỦA NGUYỄN NGỌC HƯNG. 

Lại một mùa tựu trường nữa sắp về, lòng tôi bỗng xôn xao, bâng khuâng rất lạ. Thế là 3 mùa tựu trường tôi không được tung tăng cùng bạn bè đi chợ Hàn mua vải may áo dài, ngắm tìm những chiếc áo khoác len mỏng, những chiếc khăn quàng cổ mỏng manh, điệu đà. Tôi cũng không còn ngó nghiêng chọn bút bi xanh, đỏ, tím và cả bút chì để mang theo trong cặp vừa ghi chép, vừa cho học sinh khi lỡ có em nào đó quên hay hết mực. Tôi sẽ phải ngơ ngác nhìn theo những cô giáo mặc áo dài đẹp đẽ trong ngày khai giảng- cũng là ngày sinh nhật của tôi. 

Chẳng hiểu sao, trưa nay, tôi lại giở những bài ghi chép của mình ra đọc. Bất chợt, gặp bài thơ “GIỌT MỰC VÔ TÌNH” của Nguyễn Ngọc Hưng. Bài thơ này, Ngọc Hưng đề tặng Hùng và… ai đó, tôi đọc ở Diễn đàn Hội ngộ Quy Nhơn, rồi “cop” lại. Cũng chẳng hiểu có “vô tình” không khi bài thơ lại đến với tôi trong “thời điểm nhạy cảm” này. Những kỷ niệm, xúc cảm và cả nuối tiếc của Ngọc Hưng như tan chảy, giao hòa trong cái lâng lâng, bùi ngùi của tôi lúc này. 

Bài thơ như kéo tôi về một thời tuổi trẻ đầy mộng mơ mà kiêu hãnh, đầy lãng mạn mà nổi loạn, đầy yêu thương và si mê, đầy nhu hiền mà bướng bỉnh:


Rơi vô tình trên áo trắng em thơ
Giọt mực tím xoe tròn con mắt nhỏ
Em không khóc nhưng ta buồn
Vậy đó
Kỷ niệm theo mình
Đi suốt trăm năm…


Biết là giọt mực tím “Rơi vô tình trên áo trắng”, và thấy “Giọt mực tím xoe tròn con mắt nhỏ” vậy mà Ngọc Hưng đã buồn đến thế sao? Sự liên tưởng, so sánh “giọt mực”- “con mắt nhỏ” thật đúng mà cũng thật lạ! Giọt mực tím ngắt, tròn xoe như con mắt, thế nên “ta” mới buồn, “ta” mới bị ám ảnh, thành kỷ niệm đeo đẳng “ta” cả “trăm năm”. Bởi một tấm áo trắng “… chưa vướng bụi đời/ Chưa từng mơ tưởng chuyện xa xôi” từ đó đã có thêm một “con mắt nhỏ” mực tím. Dù “em không khóc” mà “ta” vẫn buồn là vậy. Em rộng lượng, em thứ tha nhưng “con mắt nhỏ” mực tím đã gieo vào lòng “ta”, in vào tâm khảm “ta” một dấu vết không phai mờ. Giọng điệu của khổ thơ đầy đầy day dứt, đầy da diết. Nhất là khi Ngọc Hưng lại ngắt khổ thơ ra làm hai bởi từ “Vậy đó”. Một từ đơn giản như nói, một thái độ thủng thẳng kết luận, kiểu như: Chỉ đơn giản như vậy, sự thể là như vậy; thế nhưng “nó” lại như một chiếc cầu nối quá khứ đến hiện tại và cả tương lại. Thế mới thấy “con mắt nhỏ mực tím” như con mắt ai kia dù không khóc nhưng vẫn “theo mình/ Đi suốt trăm năm”. Thế mới thấy, sức mạnh của ánh nhìn có thể “thiêu đốt” một tâm tưởng đến trăm năm(!)

Nào chỉ day dứt, Ngọc Hưng còn bâng khuâng, nhung nhớ:


Lạ lùng chưa
Cứ mỗi độ trăng rằm
Lòng lại thức bao niềm nhưng nhớ tím
Thơ áo trắng em bây giờ kiều diễm
Có còn thơm mùi mực thuở vô tình? 

Lạ lùng chưa 
Qua chìm nổi lênh đênh
Có lắm lúc tưởng mình quên lại nhớ
Giọt mực tím như là con mắt mở
Dù tâm tư ai đã khép
Lâu rồi


Cái mường tượng của Ngọc Hưng mới trong trẻo, tinh khôi, đáng yêu làm sao. Khổ thơ tỏa sáng bởi ánh “trăng rằm”, bởi vẻ “kiều diễm”, tươi ngời bởi “thơ áo trắng”, thơm tho bởi “mùi mực thuở vô tình”. Câu thơ cuối khổ là một câu hỏi nhưng đã bao hàm ý khẳng định. Có vẻ như, ánh nhìn của Ngọc Hưng đã theo “em” suốt bao “độ trăng rằm” với bao thao thức, nhung nhớ. Hình như cái “con mắt nhỏ” của cả mực tím lẫn Ngọc Hưng đêu không hề phai nhạt theo thời gian. Tôi đang băn khoăn trước câu thơ then chốt của khổ thơ này: “Lòng lại thức bao niềm nhưng nhớ tím”. Ban đầu, tôi nghĩ tác giả đánh máy sai lỗi chính tả “nhung nhớ”, và nếu như thế câu thơ vẫn giữ tinh thần chung là: NHỚ. Song, đọc kỹ, tôi thiên về câu thơ hiện tại. Như thế, tinh thần của câu thơ tuy vẫn là nhớ nhưng cấp độ sâu sắc hơn, dai dẳng hơn nhiều. Bởi trong câu thơ có “bao niềm” và “ nhớ tím”. Nghĩa là trong cái bộn bề lo toan, trong cái “chìm nổi lênh đênh” của cuộc đời, trong cái mông lung bao nỗi niềm, tác giả vẫn nhớ, vẫn ám ảnh “con mắt nhỏ” mực tím! Nhất là khi “tưởng mình quên lại nhớ/ Lâu rồi” Ai dám bảo là “Giọt mực vô tình” cơ chứ?

Cái giọng thơ da diết đến khổ thơ cuối như thổn thức, như nuối tiếc:

Giọt mực vô tình
Giọt mực mồ côi
Đời em đã bao lần thay áo trắng
Ta không trách
Chỉ rưng buồn im lặng
Giọt mực thầm loang tím cả hồn hoang…


Đến đây thì Ngọc Hưng không thể ví von, không thể che dấu “thân phận”: Cái “giọt mực tím” kia , “con mắt nhỏ”, “ con mắt mở” kia chính là một sự “gửi gắm” chẳng chút vô tình. Cái nỗi buồn “loang tím cả hồn hoang” đã làm tôi nghẹn ngào, thổn thức cùng tác giả. 

Bài thơ có ba nhân vật, nhân vật nào cũng hiện diện đủ đầy trong các khổ thơ: “ta”, “em” và “giọt mực vô tình”- “giọt mực mồ côi”. Cả ba nhân vật đều dễ thương, dễ cảm. Cả ba nhân vật đều kéo ta về một thời tuổi xuân với bao xúc cảm đầu đời đầy sáng trong, thánh thiện. Cám ơn Ngọc Hưng đã ngân lên khúc tình ca, tuy giai điệu có chút buồn nhưng lại hướng tôi về một miền ký ức tươi xinh, gần gũi; Để cho tôi tin rằng đâu đó còn có người vẫn “Còn một chút gì để nhớ…”


(18/ 08/ 2013)
Đà Nẵng mùa tựu trường 2013

Hương Thủy.

LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT


ĐÀO TẠO NTIC 

Địa chỉĐường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857 

Email: daotaontic@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha