Tôi sinh ra và lớn lên trên vùng đất Hòa Liên nghèo khó, cuộc sống cơ cực, những đứa trẻ như chúng tôi buổi sáng đi học buổi chiều về phải lam lũ đi chăn trâu, chăn bò hay làm đồng để kiếm sống. Chúng bạn không chịu nỗi cái cảnh đói nghèo khốn khó  phải nghỉ học dần, lớp học thưa thớt chỉ còn lại vài đứa. Tôi còn lại trong số đó và thi tiếp vào lớp 10 tại trường THPT Nguyễn Trãi, học sinh Hòa Liên chúng tôi vỏn vẹn còn lại 6 đứa lạc lỏng đi về.

Lúc này bài vở nhiều hơn, lượng kiến thức mới mỗi ngày một nhiều nhưng chúng tôi cần phải kiếm cái sinh nhai. Trong cái khó ló cái khôn, tôi đã nghĩ ra cách học đối phó bằng những phương án chữa cháy, nhưng kết quả lại bất ngờ học bài mau thuộc hơn và thành tích của tôi cũng dần được cải thiện đáng kể. Từ đó, tôi ôm ấp một giấc mơ đi tìm một phương pháp học tập nhanh mà hiệu quả và tôi quyết tâm thực hiện nó bằng cách chọn ngành sư phạm để đi tiếp và thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn với số điểm khá cao.

Chuyến đi tham quan thực tế tại nhà máy hóa chất Biên Hòa

Ảnh thực tập sư phạm tại Trường THPT Phan Bội Châu - Hoài Nhơn - Bình Định

Tốt nghiệp ra trường, tôi bắt đầu cuộc hành trình thực hiện giấc mơ, hoài bảo lớn lao và khát vọng của tuổi trẻ, bằng cách tình nguyện đi công tác ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Và nơi tôi được nhận quyết định là Trường THPT Di Linh – tỉnh Lâm Đồng, ngôi trường nơi tôi đến nằm trên đồi cà phê quanh năm tươi tốt, con người  nơi đây rất tình cảm, nhân ái và giàu lòng vị tha. Ở đây, tôi đã học hỏi được rất nhiều và trưởng thành lên từ đấy.

 

Hiệu trưởng cùng các thầy cô trong tổ Hóa Lý Trường THPT Di Linh

Thầy cô giáo bộ môn Hóa của Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng tham quan chùa Tuyền Lâm Đà Lạt

Tôi nhận quyết định trở lại công tác tại trường THPT Nguyễn Trãi – nơi tôi theo học từ thuở nhỏ được một năm. Tuy chưa cống hiến được gì nhiều thì tôi tiếp tục được điều động về Trường THPT Phạm Phú Thứ vừa thành lập còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Tại đây tôi dạy dỗ những học sinh người dân tộc K’Tu, các em rất ngoan, ngây thơ, trong sáng và ham học hỏi. Nhưng học lực của các em thì rất yếu, ngay cả bảng cửu chương các em còn không thuộc nữa là. Vì vậy, để học sinh học thuộc và hiểu được một phương trình hóa học thì tôi phải cho học sinh luyện tập liên tục bằng nhiều cách khác nhau theo ba cấp độ biết, hiểu và vận dụng.  Để gieo được những con chữ ươm mầm cho thế hệ trẻ nơi thôn bản, người giáo viên phải rất yêu trẻ và tận tụy với nghề chỉ một mong mỏi khát khao là ngày nào đó trên vùng đất khô cằn sỏi đá ấy sẽ mọc lên những loài cây tươi tốt và nở hoa thật đẹp.

 

 

Tôi trở lại Trường THPT Nguyễn Trãi đúng vào dịp nhà trường tưng bừng tổ chức 30 năm thành lập trường. Đây là lần thứ ba tôi trở lại mái trường xưa giờ đã được xây mới hoàn toàn, rất khang trang và bề thế. Tôi được giảng dạy trong một môi trường tốt hơn và chất lượng học tập của học sinh cũng cao hơn trường cũ, tôi lao vào làm việc, bồi dưỡng học sinh giỏi CASIO và miệt mài nghiên cứu, với mong muốn ghi lại được một chút dấu ấn gì cho ngôi trường mà tôi hằng mơ ước. Tôi đã thành công khi thiết kế lại và xây dựng thêm nhiều ứng dụng cho Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học được gọi là Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học đa năng để tham dự cuộc thi VIFOTECH và triển lãm đồ dùng dạy học năm 2012 – 2013 đã được ban tổ chức đánh gia cao.

 

Đồ dùng dạy học tự làm: Sự dẫn điện của dung dịch chất điện li

Nhằm mục đích nhân rộng mô hình nghiên cứu và sáng tạo khoa học kĩ thuật trong học sinh. Được sự hỗ trợ của Ban giám hiệu nhà trường tôi đã thành lập câu lạc bộ Sáng tạo khoa học kĩ thuật lấy tên NTIC vào năm học 2013-2014. NTIC đã hoạt động khá mạnh và hiệu quả, thúc đẩy được phong trào nghiên cứu, sáng tạo trong học đường và gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, sáng tạo khoa học kĩ thuật cũng như dự thi ROBODNIC góp không nhỏ vào việc xây dựng thương hiệu trường THPT Nguyễn Trãi trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Đoàn Đà Nẵng vượt phà ở Cần Thơ để tham dự cuộc thi VISEP 2015 được tổ chức tại Đồng Tháp

Mô hình dự thi Sáng tạo KHKT cấp quốc gia của Trường THPT Nguyễn Trãi tại VISEP 2015

Tại hội thi Sáng tạo KHKT cấp thành phố năm 2016

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tôi còn một mong muốn nữa là được giúp đỡ các em học sinh đang còn lúng túng trong việc tiếp cận kiến thức mới hoặc chưa tìm ra được phương pháp học tập thích hợp cho bản thân. Hãy liên hệ với tôi để được chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và hổ trợ những phương tiện học tập cần thiết giúp các em tiến bộ hơn trong học tập và có cái nhìn đúng đắn hơn về giá trị thực bản thân mình, từ đó giúp các em định hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Tôi rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của các bạn bè đồng nghiệp, phụ huynh học sinh và đặc biệt là các em học sinh gần xa để tôi hoàn thiện hơn trong công việc của mình và chia sẻ được nhiều hơn với các bạn đọc.

Xin trân trọng cảm ơn!

Ngô Văn Dũng