DẠY VĂN VÀ HỌC VĂN: KHÔNG BIẾT BA TRĂM NĂM LẺ NỮA

Sự sâu sắc cao cả tuyệt đẹp của tâm hồn Nguyễn Du gửi gắm ở hai câu thơ mang giá trị nhân văn tầm nhân loại là suốt đời ông đau đáu nỗi niềm lo âu hy vọng cho tình người trong tương lai.

Ngày đăng: 15-09-2021

790 lượt xem

     Hiểu thế nào cho đúng tâm trạng Nguyễn Du ở hai câu cuối trong bài thơ Độc Tiểu Thanh ký ?

Bài thơ:

Tây hồ cảnh đẹp hóa gò hoang

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn

Son phấn có thần chôn vẫn hận

Văn chương không mệnh lụy còn vương

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi

Cái án văn phong lưu khách tự mang

Không biết ba trăm năm lẻ nữa

Thiên hạ ai người khóc Tố Như

     Bài thơ được Nguyễn Du viết theo thể thất ngôn bát cú có 8 câu 4 phần. 3 phần đầu 6 câu dễ hiểu. Ở đây tôi chỉ nói suy nghĩ của mình về 2 câu kết ở phần 4 mà suốt gần 40 đi dạy, tôi không đồng ý với cách hiểu của các nhà phê bình cũng như các chuyên gia ở Bộ Giáo dục viết sách hướng dẫn thầy cô giáo giảng dạy. Vì thế, tôi phải vừa dạy cho học sinh cách hiểu ở sách của Bộ Giáo dục hướng dẫn, lại gợi ý học sinh hiểu theo hướng tôi cảm nhận.

"Không biết ba trăm năm lẻ nữa

Thiên hạ ai người khóc Tố Như"

 - Hơn nửa thế kỷ qua, các nhà phê bình, các Gs,Ts viết sách hướng dẫn thầy cô giáo dạy ngữ văn lớp 10 hiểu hai câu thơ này rằng: Nguyễn Du tự hỏi không biết 300 năm sau có ai khóc cho mình không (?)

     Tôi nghĩ sách hướng dẫn hiểu như thế là thô thiển hóa, tầm thường hóa tâm hồn tư tưởng cao đẹp của Nguyễn Du, là hạ thấp vĩ nhân xuống ngang hạng người nhỏ nhen ích kỷ, là chỉ mới đọc được tầng nghĩa tường minh của văn bản, chưa hiểu được tầm sâu tâm hồn tư tưởng nhà thơ. Hiểu như thế là giết chết Nguyễn Du thêm nhiều lần, là "yêu nhau như thế bằng mười hại nhau."

 - Hai câu thơ Nguyễn Du muốn gửi gắm những suy nghĩ tâm trạng với chiều sâu thăm thẳm của mình. Rằng sau ba trăm năm nàng Tiểu Thanh chết trong cô đơn tủi hờn oan khuất, dẫu tình người tình đời cạn kiệt, nhưng ít nhất vẫn còn có một người là ta thấu hiểu đau xót và khóc thương cho cuộc đời nàng. Không biết ba trăm năm sau tình người tình đời có còn dù hiếm hoi như ngày hôm nay không? Liệu đến lúc đó có còn ai quan tâm thấu hiểu nỗi oan trái khổ đau tủi hờn của con người ba trăm năm trước để khóc thương như có một Nguyễn Du khóc thương nàng Tiểu Thanh lúc này không(?)

     Sự sâu sắc cao cả tuyệt đẹp của tâm hồn Nguyễn Du gửi gắm ở hai câu thơ mang giá trị nhân văn tầm nhân loại là suốt đời ông đau đáu nỗi niềm lo âu hy vọng cho tình người trong tương lai. Nguyễn Du luôn ước mong hy vọng tương lai nhân sinh có tình người tình đời giàu đẹp.Đây là tầng sâu ý nghĩa hai câu thơ Nguyễn Du viết ra bằng máu hòa nước mắt. Không phải Nguyễn Du tự hỏi vì lo lắng cho riêng mình sau khi chết có ai khóc thương cho mình không, mà là ông lo cho cuộc đời chung, lo cho nhân tình thế thái dương gian hậu thế.

     Riêng Nguyễn Du khi đã chết rồi thì cần gì ai khóc.

     Có phải hiểu như thế là đồng cảm với tâm hồn vĩ nhân (?)

Thầy Nguyễn Quang Phú

 

LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT


ĐÀO TẠO NTIC 

Địa chỉĐường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857 

Email: daotaontic@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha