LÀM THẾ NÀO ĐỂ BẠN TỰ HỌC ĐẠT KẾT QUẢ TỐT?

Tự học là phương pháp rất tốt. Nhưng đòi hỏi bạn phải kiên trì. Dưới đây là tổng hợp 7 phương pháp học tập tối ưu nhất mà các thủ khoa, á khoa đã áp dụng thành công:

Ngày đăng: 26-02-2016

6,884 lượt xem

1. Lập kế hoạch học tập

       Khi lập kế hoạch học tập tức là bạn đang định hướng việc học tập của mình trong thời gian đó cần phải học môn nào? Ưu tiên những môn nào trước? Môn nào có bài tập cần phải hoàn thành? Và môn nào cần phải học trong một thời gian dài? Qua đó, bạn sẽ sắp xếp theo thứ tự ưu tiên những việc sẽ làm và hoàn thành việc học một cách dễ dàng.  Nếu bỏ ra 01 giờ để vạch kế hoạch học tập bạn sẽ tiết kiệm được 3 giờ khi thực hiện công việc đó.

2. Thời gian học tập

            Khoảng từ  4h đến 6h sáng. Buổi sáng sớm với không khí trong lành, mọi vật yên tĩnh, lượng đường trong máu tăng cao đầu óc thoải mái, sẽ giúp chúng mình tập trung hơn, rất tốt cho quá trình ghi nhớ và học bài mau thuộc. Bạn nên học các môn học thuộc lòng như Văn, Sử, Địa, GDCD,…

            Khoảng thời gian từ 7h sáng cho đến 11h. Sau khi điểm tâm xong, năng lượng dồi dào, thần trí minh mẫn hiệu quả công việc rất tốt, bạn nên học các môn học như: Toán, Lý, Hóa, Sinh vì các môn này cần sự sáng tạo, logic và tư duy cao.

            Buổi trưa, bạn nên chợp mắt một chút để phục hồi thể lực và trí lực.

            Khoảng từ 13h đến 16h30, hiệu quả công việc cớ phần giảm sút, bạn nên khởi động tay chân khoảng 5, 7 phút, uống một tách cà phê, ăn nhẹ hoặc ngậm một viên kẹo bạt hà cho tinh thần sảng khoái thì khả năng tiếp thu bài mới tốt được. Trong thời gian này bạn nên tập trung làm các bài tập về nhà hoặc soạn bài mới cho những môn học cần chuẩn bị trước khi đến lớp.

            Khoảng 19h đến 21h, tinh thần mỏi mệt, bạn thường hay mất tập trung. Trong thời gian này, bạn không được dùng các chất kích thích vì nó rất có hại cho sức khỏe. Bạn nên thư giản đôi chút có thể bạn nên đọc truyện hay nghe nhạc, lướt web,… hoặc có thể bạn nên làm những công việc yêu thích và bạn cũng nên đi ngủ sớm để lấy lại sức khỏe cho ngày mai.

3. Ghi chép cẩn thận

-  Chuẩn bị vở ghi và bút thước đầy đủ.

- Ghi rõ tiêu đề bài giảng, tên khóa học, ngày tháng,…

- Lắng nghe hướng dẫn của giáo viên một cách chu đáo. Khi nghe giảng nếu quan sát sườn bài của giáo viên, bạn sẽ dễ dàng dự đoán những ý chính mà mình cần ghi chép.

- Ghi chép thật ngắn gọn. Hãy diễn đạt những ý chính bằng ngôn ngữ của chính mình chứ không nên chép y nguyên lời của giáo viên. Hãy nhớ là mục tiêu của bạn là hiểu bài giảng chứ không phải là cố ghi lại chính xác từng từ giáo viên nói.

- Hãy cố gắng nhận diện ý chính bằng những từ nối, chẳng hạn như: “cho nên”, “vì vậy”, “chủ yếu”,…

- Ghi lại những chi tiết hoặc ví dụ để làm rõ thêm ý chính của bài giảng. Đặc biệt chú ý đến những chi tiết không có trong sách giáo khoa.

- Nếu có một đoạn tóm tắt ở cuối bài, hãy đặc biệt quan tâm đến phần đó. Bạn có thể sử dụng nó để kiểm tra bố cục bài ghi chép của mình. Nếu bài ghi chép có vẻ không logic, hãy chép lại ý chính trong đoạn tóm tắt, nó sẽ rất có tác dụng cho việc ôn tập của bạn sau này.

- Vào cuối bài giảng, đừng ngại hỏi giáo viên những điều mà bạn chưa hiểu.

- Đừng quá vội vàng. Hãy tập trung, lắng nghe và ghi chép ngay khi giáo viên đưa ra ý chính. Nếu bạn mải theo đuổi ý nghĩ riêng trong khi lẽ ra phải nghe giảng thì có thể bạn sẽ bị lỡ mất những điểm quan trọng.

     Khi thầy cô giảng bài, bạn nên tập trung chú ý nghe giảng, ghi chú những nội dung quan trọng hoặc nếu có  trong tài liệu tham khảo bạn nên dùng bút màu đánh dấu vào những nội dung quan trọng đó và lưu ý bằng các từ “cho nên”, “vì vậy”, “chủ yếu” mà thầy cô tóm tắt lại nội dung.

 

4. Cách học nhanh thuộc

- Hiểu rõ nội dung vấn đề bạn cần học thuộc. Đây là vấn đề đầu tiên và tiên quyết, giúp bạn thuộc bài nhanh hơn. Nếu bạn không hiểu vấn đề thì bạn thuộc bài cũng chỉ như học vẹt mà thôi. Chính vì vậy, khi ở trên lớp, hãy cố gắng tiếp thu kiến thức được thầy cô truyền đạt, nắm rõ, hiểu đúng bản chất, chỗ nào không hiểu phải hỏi lại ngay và ghi chép cẩn thận. làm như thế bạn đã tiết kiệm được 50% thời gian học thuộc bài rồi đấy.

- Gạch dưới nội dung quan trọng. Trước khi học, hãy đọc một lượt nội dung từ trên xuống dưới, gạch dưới những từ, những ý quan trọng, có thể soạn lại bài và trình bày theo sở thích của bạn sao cho dễ học, dễ nhớ Nắm được nội dung bài học một cách toàn diện và khái quát như thế sẽ giúp bạn học bài nhanh thuộc hơn rất nhiều vì trong đầu bạn đã hình dung ra được kết cấu, những kiến thức trọng tâm cần nắm.

- Chia nội dung bài học thành những mục nhỏ. Việc bạn phân nhỏ bài học thành những mục nhỏ tương ứng với nội dung cụ thể sẽ giúp bạn học thuộc bài nhanh hơn và tập trung thời gian cho những mục khó thuộc và khó nhớ. Đây chính là phương pháp “chia nhỏ mục tiêu”, bạn sẽ thấy sau khi học thuộc được 1 mục, 1 ý bạn sẽ thêm động lực, sự hào hứng để học phần tiếp thao.

- Vừa học vừa liên hệ thực tế để khắc sâu kiến thức. Đặc biệt là những sự kiện, ngày tháng năm trong các môn lịch sử, hay những đặc điểm cơ bản của các vùng Địa lý. Bạn có thể liên tưởng các sự kiện lịch sử gắn với những sự kiện mà bản thân đã được nằm lòng, hay nhớ về những chuyến du lịch, những ấn tượng mạnh mẽ của bạn về vùng đất đó.

- Kết hợp vừa học với vừa ghi. Đây là phương pháp vừa nhớ bài vừa nhanh, vừa sâu, vừa có hệ thống, vừa tăng cường khả năng tập trung. Đối với những đoạn dài bạn vừa nhẩm, vừa ghi ra nháp những chữ mang tính chất nội dung trọng tâm thôi. Riêng những công thức, những định nghĩa, bạn nên ghi lại từ 2 – 3 lần có thể nhiều hơn để nhớ lâu, nhớ sâu hơn nhé.

- Tưởng tượng lại toàn bộ nội dung bài học sau khi học xong. Một khi đã thuộc bài, bạn sẽ nhớ lại rất rõ những đặc điểm về thứ tự cách sắp xếp các ý, thậm chí cả dấu chấm, dấu phẩy, dấu ngắt câu nữa đấy. Chính vì vậy, bạn tưởng tượng lại nội dung của toàn bộ nội dung bài học chỉ mất vài phút nhưng lại giúp bạn nhớ lâu kiến thức một cách sâu sắc hơn. Đây chính là cứu cánh rất hữu hiệu trong những trường hợp do bạn quá hồi hộp khi làm bài thi hoặc kiểm tra mà quên mất những gì đã học. Một khi đã nhớ ra được hình ảnh của bài học. trong tưởng tượng ấy bạn sẽ lần lượt nhớ lại từng câu, từng chữ trong bài rất rõ.

5. Ghi chú

Bạn chia cuốn vở ra làm 2 cột.

-          Cột lớn ở bên phải dùng để ghi chép nội dung của bài học (như nội dung ở trên).

-           Cột nhỏ ở bên trái – “Nhặt” ra các từ khóa và ý chính. Ngoài ra, bạn tự đặt cho mình các câu hỏi liên quan tới nội dung bên phải của trang và ghi vào đây.

-           Trước bài kiểm tra, nếu bạn ôn lại kiến thức của mình theo cách này, chúng sẽ được hệ thống lại rất logic, và các câu hỏi sẽ giúp bạn tư duy tốt hơn trước. Vì vậy, những phần khó nhằn trong bài thi sẽ không khiến bạn toát mồ hôi thêm nữa!

Cuối bài học, bạn viết phần tóm tắt, ghi lại những ý quan trọng nhất của bài học. Hãy ghi ngắn gọn và dễ hiểu nhất có thể, vì chính bạn sẽ đọc lại chúng sau này để nắm được nội dung tổng quát của bài học.

6. Luôn học tại bàn

     Khi ngồi vào bàn là bạn đã có tư thế chuẩn bị học tập. Bạn nên ý thức được việc này sẽ giúp cho quá trình học của bạn được tốt hơn đồng thời tạo cho bạn được thói quen làm việc nghiêm túc và hiệu quả. Đây là một thói quen tốt, nó không chỉ giúp cho bạn tiếp thu bài tốt hơn, tránh được thói lười biếng như nằm trên giường mà học,… mà còn giúp cho cơ thể bạn phát triển cân đối hài hòa.

 

7. Học trực tuyến

     Ưu điểm của hình thức học trực tuyến so với hình thức truyền thống là: củng cố kiến thức cơ bản, bổ sung và nâng cao kiến thức trên lớp, linh hoạt về thời gian học, điều chỉnh tốc độ học, tự định hướng, tính tương tác cao, dễ tiếp cận. Bạn có thể tìm hiểu thêm về phương pháp và lợi ích của việc học trực tuyến tại Onthi.net.vn.

Ngô Văn Dũng

LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT


ĐÀO TẠO NTIC 

Địa chỉĐường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857 

Email: daotaontic@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha