UỐNG NHIỀU RƯỢU HAY BIA CÓ HẠI HƠN?

PGS. TS. Nguyễn Quang Dũng - Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội trả lời cho lời thắc mắc của anh Sơn.

Ngày đăng: 15-01-2023

204 lượt xem

     Những ngày giáp tết, tiệc tất niên liên tục và dày đặc, mỗi ngày đến hai hoặc ba cử. Trong bữa tiệc, chén chú chén anh rất khó để từ chối được lời mời.

     Tôi thường uống bia vì dễ vào, không bị rát cổ nhưng tỉnh dậy mệt và đau đầu hơn uống rượu. Còn uống rượu dễ say, nhưng không bị khát nước và mệt mỏi.

      Vậy có phải uống bia tốt do nhẹ độ hơn rượu không? Xin bác sĩ tư vấn. (Sơn, 31 tuổi, Hà Nội).

Trả lời:

     Bia hay rượu đều là cồn, đều có nguy cơ gây hại tới sức khỏe. Tuy nhiên, rượu mạnh nguy hiểm hơn bia do nồng độ cồn cao hơn. Tức là cùng thể tích 100 ml, thì 100 ml rượu mạnh sẽ có hại hơn so với 100 ml bia. Ví dụ, trung bình trong 100 ml rượu 40 độ chứa 40 g ethanol, 100 ml rượu vang có 12 g ethanol, 100 ml bia chứa 5 g ethanol. Người ta có thể ngộ độc rượu thông thường (ethanol) và ngộ độc cồn công nghiệp (methanol).

     Tuy nhiên, có người uống rượu mạnh nhưng điều độ, phù hợp; và không phải cứ uống rượu sẽ gây hại còn uống bia thì không vì nhẹ độ hơn. Ví dụ, người dân vùng Địa Trung Hải uống hai ly rượu vang mỗi ngày, tập trung ăn trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, cá, chế phẩm sữa, ăn hạn chế thịt và đồ ngọt, lại có lợi cho sức khỏe. Trường hợp bạn uống nhiều bia, nồng độ nhiều hơn cũng gây say, mệt mỏi, nhất là người có bệnh lý về gan, tim mạch, gout...

     Do đó, tác hại của rượu bia không chỉ phụ thuộc vào loại đồ uống mà phụ thuộc vào lượng cồn uống, cách thức uống, tần suất uống và cơ địa mỗi người.

     Để đảm bảo an toàn, bác sĩ khuyến cáo mỗi ngày nam giới không nên uống quá 720 ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60 ml rượu whisky. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360 ml bia hoặc 150 ml rượu vang hay 30 ml rượu whisky. Không cho trẻ em và tuổi vị thành niên uống rượu bia. Cố gắng kiểm soát lượng uống ở mức nguy cơ thấp nhất trong một lần.

     Sau khi uống, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương.

     Không sử dụng các loại đồ uống chứa cồn không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ bất thường. Hạn chế uống rượu khi đói vì dạ dày rỗng khiến nồng độ cồn trong máu tăng nhanh gây choáng.

     Khi thấy biểu hiện đau đầu, đau bụng, chóng mặt, hạ thân nhiệt, huyết áp, nhìn mờ bóng mây sau uống rượu, cần tới các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

PGS. TS. Nguyễn Quang Dũng

Phó trưởng Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội

 

LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT


ĐÀO TẠO NTIC 

Địa chỉĐường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857 

Email: daotaontic@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha