Trung tâm luyện thi, gia sư - dạy kèm tại nhà NTIC Đà Nẵng xin giới thiệu phần ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA MÔN VĂN - CÓ ĐÁP ÁN nhằm hổ trợ cho các bạn có thêm tư liệu học tập. Chúc các bạn học tốt môn học này.
Ngày đăng: 03-06-2018
2,439 lượt xem
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA
MÔN: NGỮ VĂN 12-CHƯƠNG TRÌNH CHUẨN
THỜI GIAN: 90 PHÚT
Phần I: Đọc hiểu (3 điểm):
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Khi người khác nói, chúng ta có cái kiểu nghe đại loại theo bốn cách: kiểu phớt lờ họ, chẳng chú ý nghe gì cả; hoặc giả như có nghe, ầm ừ cho qua chuyện; hoặc nghe có chọn lọc, nghe từng phần nào đó của câu chuyện thôi; và nghe chăm chú, quan tâm và tập trung vào những gì họ đang nói. Nhưng mấy ai trong chúng ta có được trình độ nghe cao: nghe với lòng thấu cảm.
Khi chúng ta biết nghe với lòng thấu cảm, chúng ta không nghe theo cách “chủ động" hoặc "ngờ vực" mà thực chất chẳng hơn gì cách nghe hờ hững, nghe có tính chất "xã giao”, có khi còn làm tổn thương đến "người được nghe" – kiểu nghe để đối đáp, để khống chế để toan tính.
Khi tôi nói tôi nghe với lòng thấu cảm, có nghĩa là tôi nghe với ý hướng để hiểu. Có nghĩa là tôi hiểu người khác trước, để hiểu được họ thực sự. [...] Đó là cách nghe đi vào lòng người. Cả hai nhìn thế giới theo cùng một cách nhìn và cùng hiểu nhau.
Thấu cảm khác với thương cảm. Thương cảm là một dạng của sự tán thành, một dạng của cách đánh giá và đôi khi là sự đáp ứng tình cảm có tính bao trùm, che chở. Con người lại thường ưa kiểu thương cảm này. Nó làm cho họ phụ thuộc.
Còn việc lắng nghe với lòng thấu cảm không nhất thiết đòi sự tán thành; mà là việc bạn hiểu người đó đầy đủ, sâu xa với tất cả tình cảm và hiểu biết của bạn.
Lắng nghe với lòng thấu cảm vượt xa cả sự ghi nhận, hoặc đặt vấn đề, hay đơn thuần chỉ hiểu những gì họ nói ra thôi. Trên thực tế theo các chuyên gia về giao tiếp thì trong những giao tiếp của chúng ta, chúng ta chỉ thể hiện 10% bằng lời nói, 30% khác là những âm động, còn tới 60% là ngôn ngữ của cơ thể. Trong việc lắng nghe có tính chất thấu cảm, chúng ta không chỉ nghe bằng tai mà còn nghe bằng mắt và bằng con tim. Bạn nghe để cảm nhận, nghe để tìm ra ý nghĩa. Bạn nghe để biết cách sống. Bạn vận dụng cả bán cầu phải và bán cầu trái của não. Bạn cảm nhận, bạn trực cảm, bạn cảm thấy.
Lắng nghe với lòng thấu cảm còn cho bạn một khả năng vì nó cung cấp cho bạn những dữ liệu chính xác để hành xử. Thay vì khư khư giữ lấy những gì là của mình, xử sự với thực tại bên trong tâm trí của người khác, bạn đang lắng nghe để hiểu, bạn giao tiếp và lĩnh hội một tâm hồn.
(Stephen R. Covey, Bảy thói quen của người thành đạt, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2000, tr. 197 - 198)
Câu 1: Bài viết đề cập đến các cách nghe nào trong giao tiếp?
Câu 2: Vì sao tác giả cho rằng "nghe với lòng thấu cảm" là nghe ở trình độ cao?
Câu 3: Nhận xét về cách lập luận của tác giả khi bàn về vấn đề "lắng nghe với lòng thấu cảm".
Câu 4: Để đạt được trình độ "nghe với lòng thấu cảm", theo anh/chị, chúng ta cần làm gì?
Phần II: Làm văn (7 điểm)
Câu 1: (2.0 điểm)
Vì sao thói quen "lắng nghe với lòng thấu cảm" là một chìa khoá của thành công?
Trả lời câu hỏi trên trong đoạn văn khoảng 200 chữ.
Câu 2: (5.0 điểm)
Phân tích và làm sáng tỏ sự lao động nghệ thuật công phu và sáng tạo của Huy Cận qua việc lựa chọn từ ngữ, hình ảnh và tu từ trong bài thơ Tràng giang.
------------------------------------ HẾT -----------------------
• Thí sinh không được sử dụng tài liệu.
• Giám thị không giải thích gì thêm.
ĐÁP ÁN:
Phần I: ĐỌC HIỂU
Câu 1: Bài viết đề cập đến 5 cách nghe trong giao tiếp: phớt lờ, chẳng chú ý nghe gì cả; giả như có nghe, ầm ừ cho qua chuyện; nghe có chọn lọc, nghe từng phần nào đó của câu chuyện thôi; nghe chăm chú, quan tâm và tập trung vào những gì người khác đang nói và nghe với lòng thấu cảm.
Câu 2: HS chỉ ra các lí do sau:
- Nghe thông thường chỉ để xã giao, để đối đáp hoặc khống chế, toan tính,...; nghe với lòng thấu cảm trước hết là để hiểu được người khác một cách thực sự.
- Nghe với lòng thấu cảm vượt xa cả sự ghi nhận hoặc chỉ đơn thuần là để hiểu những gì người khác nói ra; đó là cách nghe không chỉ bằng tai mà còn bằng mắt, bằng tâm hồn, bằng trái tim.
Câu 3: Tác giả sử dụng kết hợp nhiều thao tác lập luận: giải thích (nghe với lòng thấu cảm nghĩa là nghe với ý hướng để hiểu); so sánh (nghe với lòng thấu cảm khác với nghe để đối đáp,...; thấu cảm khác thương cảm), phân tích (nghe với lòng thấu cảm vượt xa cách nghe chỉ để ghi nhận, để hiểu những gì người khác nói); bình luận (tác dụng của Việc lắng nghe với lòng thấu cảm).
Câu 4: HS nêu được một số ý sau:
- Rèn thói quen lắng nghe người khác nói;
- Có hiểu biết về tâm lí con người, về nguyên tắc ứng xử nói chung trong giao tiếp; có thái độ cảm thông, chia sẻ, chân thành với mọi người;
- Có năng lực nghe hiểu,...
II. LÀM VĂN
Câu 1: HS cần nêu rõ quan điểm của mình về vấn đề; thói quen "lắng nghe với lòng thấu cảm" là một chìa khoá của thành công, lập luận thuyết phục, có lí lẽ và dẫn chứng cụ thể; đoạn văn đảm bảo dung lượng khoảng 200 chữ, có thể trình bày theo một trong các cách diễn dịch, quy nạp, Song hành hoặc tổng – phân - hợp,...; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
Tham khảo gợi ý sau:
- Giải thích:
+ "Lắng nghe với lòng thấu cảm" là gi? .
+ Vì sao thói quen "lắng nghe với lòng thấu cảm" là một chìa khoá của thành công? (Một trong những yếu tố then chốt dẫn con người tới thành công là năng lực giao tiếp, mà trong giao tiếp, kĩ năng lắng nghe có vai trò rất quan trọng. Biết lắng nghe có thể đem đến nhiều lợi ích.)
- Bàn luận:
+ Những lợi ích của việc lắng nghe với lòng thấu cảm: Lắng nghe với lòng thấu cảm sẽ mang đến hiệu quả bất ngờ trong giao tiếp vì con người có nhu cầu được khẳng định, được công nhận, được đánh giá đúng mức,...
+ Để có thói quen này, mỗi người cần rèn kĩ năng nghe hiểu, biết cảm thông, chia sẻ, quan tâm đên người khác,...
+ Trái ngược với lắng nghe với lòng thấu cảm là những kiểu nghe qua loa, chiếu lệ: nghe để đối đáp, để khống chế, để toan tính – những kiểu nghe hạn chế Sự tương tác giữa người và người.
Câu 2:
HS cần xác định đúng vấn đề nghị luận: sự lao động nghệ thuật công phu và sáng tạo của Huy Cận qua việc lựa chọn từ ngữ, hình ảnh và tu từ trong bài thơ "Tràng giang". Cần phát hiện được những công phu của Huy Cận trong việc lựa chọn và sử dụng sáng tạo các yếu tố nghệ thuật để xây dựng hình tượng thơ, thể hiện tư tưởng chủ đề của tác phẩm Tràng giang. Đó là nỗi buồn mênh mông sâu lắng của "cái tôi" cô đơn trước vũ trụ được biểu hiện qua lối diễn đạt cô đọng và hàm súc, vừa cổ điển vừa hiện đại.
Tham khảo gợi ý sau:
- Cách lựa chọn từ ngữ: người "phu chữ" Huy Cận đã công phu, nhọc nhằn trong cách lựa chọn từng từ, từng chữ trong bài thơ. Chẳng hạn: hai từ lấy điệp điệp, song song tạo ra dư ba cho lời thơ; ba chữ sâu chót vót là sự xuất thần của hồn thơ để thể hiện một sự lạ hoá trong cách nhìn, trong cảm giác, tạo ra một không gian ba chiều mênh mông vô biên; từ không trong không tiếng, không đồ, không cầu, không khói cực tả nỗi cô đơn lẻ loi của con người trước không gian quạnh hiu, hoang vắng, từ láy dợn dợn đã trực tiếp bộc lộ nỗi nhớ nhà của thi nhân. Cách tổ chức câu thơ linh hoạt và sáng tạo: Có khi học cách dùng từ láy Sóng đôi của Đường thi, có khi dùng cụm từ theo cấu trúc thành ngữ bốn tiếng (sóng gợn tràng giang, con thuyền xuôi mái, nắng xuống trời lên, sông dài trời rộng...), có lối sử dụng từ ngữ theo phong cách cổ điển (bến cô liêu), có lối lạ hoá ngôn từ rất hiện đại (sâu chót vót). khiến cho những câu thơ vừa mang vẻ đẹp hiện đại nhưng vẫn đậm đà phong vị Đường thi.
- Cách lựa chọn hình ảnh thơ: Huy Cận đã sáng tạo những hình ảnh giàu tính hình tượng: hình ảnh củi xuất hiện sau các hình ảnh bèo, gỗ... kết hợp với phép đảo ngữ "củi một cành khô" vừa chân thực vừa giàu ý nghĩa biểu tượng, vừa đặc tả cảnh sóng nước tràng giang vừa gợi thân phận cô lẻ của con người trước dòng đời cuộn xoáy.
- Cách tổ chức câu thơ: Phép đối ngẫu quen thuộc của Đường thi được sử dụng linh hoạt và phóng túng. Những cặp đối tương đồng: "sóng gợn..." đối với "con thuyền..."; "nắng xuống" đối với "trời lên..."; "sông dài" đối với "trời rộng." vừa tạo vẻ cân xứng trang trọng, mở ra các chiều kích vô biên của không gian, vừa tạo thành kết cấu sóng đôi của cả bài thơ. Những cặp đối tương phản như "Chim nghiêng cánh nhỏ" đối với "bóng chiều sa" gợi cảm giác ám ảnh về cái hữu hạn của kiếp người trước cái mênh mông vô cùng của trời đất, thể hiện nỗi sầu nhân thế, sầu vũ trụ trong lòng thi nhân.
------------------------------
Trung tâm luyện thi, gia sư - dạy kèm tại nhà NTIC Đà Nẵng
LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT
ĐÀO TẠO NTIC
Địa chỉ: Đường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857
Email: daotaontic@gmail.com
Gửi bình luận của bạn