ĐỀ THI MÔN VĂN THPT QUỐC GIA 2018 VÀ GỢI Ý

Trung tâm luyện thi, gia sư - dạy kèm tại nhà NTIC Đà Nẵng giới thiệu phần ĐỀ THI MÔN VĂN THPT QUỐC GIA 2018 VÀ GỢI Ý. nhằm hổ trợ cho các bạn có thêm tư liệu học tập. Chúc các bạn học tốt môn học này.

Ngày đăng: 25-06-2018

2,332 lượt xem

 

Gợi ý giải đề Ngữ văn thi THPT quốc gia
 

 

PHẦN I - ĐỌC HIỂU

Câu 1. Thể thơ: Tự do

Câu 2. Những yếu tố thuộc tiềm lực tự nhiên của đất nước là: khoáng sản, châu báu, rừng đại ngàn, phù sa, sông, bể,...

Câu 3. Giá trị của câu hỏi tu từ:

 + Bộc lộ tình cảm, lòng tự hào của tác giả đối với quê hương, đất nước

 + Gửi gắm thông điệp tới độc giả: Hãy biết trân quý vẻ đẹp của quê hương, có ý thức và trách nhiệm hơn với đất nước để phát huy những tiềm lực tự nhiên của nước ta để đất nước giàu mạnh hơn.

Câu 4. Học sinh trình bày quan điểm:

 - Đồng tình.

 - Giải thích: Do đất nước ta có tiềm lực mạnh mẽ để phát triển: giàu có về tài nguyên, khoáng sản, rừng vàng, biển bạc... nhưng nếu không trân trọng, phát huy những lợi thế đó bằng những hành động cụ thể mà chỉ qua lời ca, tiếng hát tự hào thì khó để phát huy tối đa tiềm năng đất nước. Vì vậy, cần phải khai thác một cách hợp lý để làm nên sự phát triển cho đất nước.

Kết quả hình ảnh cho nu sinh du thi 2018

PHẦN II - LÀM VĂN  

Câu nghị luận xã hội 

Câu 1. 

Mỗi chúng ta ai cũng có sứ mệnh đánh thức tiềm lực của đất nước, đặc biệt là trong thời buổi hiện nay. Vậy tiềm lực đất nước là gì? Có thể hiểu tiềm lực bao gồm những yếu tố thuộc tự nhiên: đất đai, khoáng sản, rừng, biển,... và tiềm lực con người như: sức khỏe, trí tuệ, truyền thống văn hóa, văn hiến,... Sứ mệnh của mỗi cá nhân là phải góp phần đánh thức những tiềm năng, tiềm lực của đất nước để góp phần cho đất nước ngày càng phát triển. Bởi tiềm lực chỉ là yếu tố góp phần làm nên sự phát triển, nó chưa được khai thác tối đa mà vẫn còn tiềm tàng. Muốn đánh thức được nó cần sự chung tay, góp sức của mỗi cá nhân. 

Trong bối cảnh hội nhập và phát triển hiện nay, bản thân mỗi chúng ta cần phải hiểu rõ đất nước mình đang có những lợi thế, tiềm lực gì để có những hành động khai thác, sử dụng hợp lý để phát triển tối đa. Việc đánh thức tiềm lực của đất nước cũng là một trong những biểu hiện cụ thể của tình yêu nước. Bởi bậy, mỗi người cần ý thức được việc sử dụng tiềm năng một cách hiệu quả cao, ổn định, lâu dài cho nền kinh tế. Việc nhiều học sinh sang nước ngoài du học mà không quay trở lại phục vụ đất nước ta là một trong những biểu hiện rõ nét của việc đất nước ta chưa thực sự sử dụng nguồn lực phát huy tối đa khả năng để làm giàu cho quê hương. Vì vậy, tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ, và bản thân cần khai thác hiệu quả các tiềm lực hiệu quả để phát triển bền vững đồng thời mỗi người cần nỗ lực học tập, rèn luyện để cống hiến cho đất nước. Đánh thức tiềm năng đất nước là sứ mệnh chung của mỗi người Việt Nam yêu nước!

Câu 2.

Phân tích sự đối lập giữa vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình của người đàn bà hàng chài. Từ đó, anh chị hãy liên hệ với cảnh đối lập lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu trong hai đứa trẻ để nhận xét về cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

Giới thiệu vấn đề nghị luận:

 - Sự đối lập giữa vẻ đẹp của chiếc thuyền ngoài xa và cảnh bạo lực gia đình của người đàn bà hàng chài; cách nhìn hiện thực của hai tác giả.

II. Thân bài

Tổng quan kiến thức:

 - Nguyễn Minh Châu (1930- 1989), quê ở làng Thơi, xã Quỳnh Hải (nay là xã Sơn Hải), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông "thuộc trong số những nhà văn mở đường tinh anh và tài năng nhất của văn học hiện nay" (Nguyên Ngọc) . Sau 1975, khi văn chương chuyển hướng khám phá trở về với đời thường, Nguyễn Minh Châu là một trong số những nhà văn đầu tiên của thời kì đổi mới đã đi sâu khám phá sự thật đời sống ở bình diện đạo đức thế sự. Tâm điểm những khám phá nghệ thuật của ông là con người trong cuộc mưu sinh, trong hành trình nhọc nhằn kiếm tìm hạnh phúc và hoàn thiện nhân cách. Ông khẳng định: "Nhà văn không có quyền nhìn sự vật một cách đơn giản, và nhà văn cần phấn đấu để đào xới bản chất con người vào các tầng lớp lịch sử." Năm 2000 ông được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

   Truyện ngắn lúc đầu được in trong tập Bến quê (1985), sau được nhà văn lấy làm tên chung cho một tuyển tập truyện ngắn (in năm 1987).

 - Nhan đề "Chiếc thuyền ngoài xa" là một ẩn dụ về mối quan hệ giữa cuộc đời và nghệ thuật. Chiếc thuyền là biểu tượng của sự toàn bích mà chiêm ngưỡng nó, anh thấy tâm hồn mình trong ngần. Nhưng khi chiếc thuyền đâm thẳng vào bờ, chứng kiến cảnh đánh đập vợ của người đàn ông kia, anh nhận ra rằng cái đẹp ngoài xa cũng ẩn chứa nhiều ngang trái và nghịch lí. Nếu không lại gần anh chẳng thể phát hiện ra. Xa và gần, bên ngoài và sâu thẳm… đó cũng là cách nhìn, tiếp cận nghệ thuật chân chính.

Giải thích:

 - Giá trị hiện thực là những gì diễn ra trong cuộc sống được tác giả đưa vào tác phẩm tạo nên một ý nghĩa mà chúng ta nhận thức được nhờ các chi tiết, các yếu tố, các hình tượng nghệ thuật chứa trong tác phẩm.

Phân tích - Chứng minh:

Nội dung:

 - Hình ảnh chiếc thuyền gần như xuất hiện xuyên suốt trong câu chuyện mà nhà văn mang đến cho người đọc. "Chiếc thuyền ngoài xa" được nhà văn khắc hoạ rất ấn tượng: "Mũi thuyền in một nét mơ hồ loè nhoè vào bầu trời sương mù trắng như sữa pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào. Vài bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ". Hình ảnh đó mang một "vẻ đẹp thực sự đơn giản và toàn bích" – vẻ đẹp của "một bức tranh bằng mực Tàu của một danh hoạ thời cổ", và tất cả vẻ đẹp đó đã được nhà nghệ sỹ nhiếp ảnh của chúng ta thu vào một tấm ảnh mà nó "được treo ở rất nhiều nơi, nhất là trong các gia đình sành nghệ thuật".

 – Hình ảnh "Chiếc thuyền ngoài xa" giờ đã hoá thân thành một tác phẩm nghệ thuật để mọi người nhìn ngắm, chiêm ngưỡng với tất cả những vẻ đẹp về màu sắc, đường nét, bố cục…và khi thưởng thức bức ảnh đó, những người sành nghệ thuật thể có cái cảm giác "trở nên bối rối", cảm thấy "trái tim như có cái gì bóp thắt vào" và "khám phá thấy cái chân lý của sự hoàn thiện, khám phá thấy cái khoảnh khắc trong ngần của tâm hồn"…như cái cảm giác mà "tôi" đã từng có.

– Song, dù có là người sành nghệ thuật đến đâu, cũng không ai khám phá ra được: Đó là những con nguời, những cuộc đời, những số phận đầy trớ trêu, nghịch lý đã, đang và sẽ còn tiếp tục sống quay quắt bên trong chiếc thuyền ấy. Một người vợ nhẫn nhục cam chịu một cách tự nguyện những trận đòn thịnh nộ của anh chồng với "ba ngày một trận nhẹ, năm ngày một trận nặng" chỉ vì chiếc thuyền ấy, gia đình ấy (với trên dưới mười con người) cần có ông ta chèo chống lúc phong ba; Một đứa con trai yêu mẹ đến nỗi định giết cả bố mình… Cái sự thật bên trong ấy chỉ được người thợ chụp ảnh nhận ra khi "chiếc thuyền đâm thẳng vào chỗ tôi đứng", tức là ở một khoảng cách gần, rất gần.

 - Phùng bất bình và không tin vào mắt mình khi thấy cảnh tượng ấy. Người đàn bà không hề phản ứng lại mà chỉ cam chịu cắn răng chịu đau cho ông chồng đánh. Một thằng bé cầm dao chạy đến như muốn lấy mạng cha mình. thế rồi bị cha tát cho một cái lăn quay ra nền cát. Ông ta bỏ đi để lại vợ và con mình trên bãi cát dài ấy. Người đàn bà nước mắt giàn giụa lắp đầy cả những nốt rỗ lỗ chỗ trên mặt ôm thằng con vào lòng mà khóc. Cảnh tượng ấy nghịch lý hẳn so với bức tranh chân thiện mỹ kia.

 - Sự đối lập này như đã mở ra hai hình ảnh, hai thế giới khác hẳn: Chiếc – thuyền – ngoài – xa mang lại vẻ đẹp hoàn mỹ cho một tấm ảnh, còn chiếc thuyền khi đến gần lại làm vỡ ra một hiện thực nghiệt ngã đến xót xa của số phận con người.

Tạo nên sự đối lập đó, Nguyễn Minh Châu dường như đã gửi một thông điệp: cuộc đời vốn dĩ là nơi sản sinh ra cái đẹp của nghệ thuật nhưng không phải bao giờ cuộc đời cũng là nghệ thuật, và rằng con người ta cần có một khoảng cách để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nghệ thuật nhưng nếu muốn khám phá những bí ẩn bên trong thân phận con người và cuộc đời thì phải tiếp cận với cuộc đời, đi vào bên trong cuộc đời và sống cùng cuộc đời.

 – Chính vì thế, cho dù chỉ là một bức ảnh "hoàn toàn thế giới tĩnh vật"(hay nói đúng hơn là vẫn có con người nhưng đó chỉ là "những bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng") nhưng nhà nghệ sỹ nhiếp ảnh của chúng ta – cũng là người đã trực tiếp nhận ra những số phận ẩn tàng bên trong nó – bao giờ cũng như thấy "một người đàn bà bước ra" sau mỗi lần suy tư, ngắm nhìn thành quả nghệ thuật mà mình tạo ra nhờ cái giây phút "trời cho" ấy.

 

Nghệ thuật:

 - Xây dựng biểu tượng giàu ý nghĩa tượng trưng.

 - Cách khắc họa nhân vật, cốt truyện, sử dụng ngôn ngữ rất linh hoạt, sáng tạo đã góp phần làm nổi bật chủ đề, tư tưởng của tác phẩm.

 - Nghệ thuật xây dựng tình huống nghịch lí làm nổi bật tình huống chung, tình huống tự nhận thức.

 - Giọng điệu: chiêm nghiệm, suy tư phù hợp với nhận thức.

 - Ngôn ngữ giản dị đằm thắm mà đầy dư vị.

Liên hệvới cảnh đối lập lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu trong hai đứa trẻ

* Giống nhau

 - Cả hai sự đối lập đều mang thông điệp mà nhà văn truyền tải, chứa đựng nhiều ý nghĩa về cuộc đời.

 - Sự đối lập tạo ra tính hấp dẫn cho thiên truyện.

 - Cả hai nhà văn đều có cái nhìn hiện thực một cách đa diện, nhiều chiều, trong các mối tương quan đối lập giữa cái đẹp và cái xấu, giữa bóng tối và ánh sáng để thấy bề sâu của bức tranh hiện thực cuộc sống. Từ cái nhìn sâu sắc đó, người đọc thấy được cái nhìn đầy hiện thực của mỗi nhà văn.

* Khác nhau

 – Sự đối lập trong Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu nhằm thể hiện những quan điểm, triết lí của nhà văn về cuộc đời, về nghệ thuật. Cần có cái nhìn đa diện, đa chiều về cuộc đời, về con người. Nhà văn đặt ra vấn đề số phận và hạnh phúc của người dân lao động để bạn đọc cùng suy nghĩ.

 - Giữa nghệ thuật và cuộc đời luôn có một khoảng cách xa, vậy nhà văn cần làm sao để hướng đến một giá trị nghệ thuật chân chính, nghệ thuật bắt nguồn từ cuộc đời và vì con người.

 – Sự đối lập lúc đêm khuya và hình ảnh đoàn tàu đêm đi qua phố huyện trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam xuất hiện ở đoạn cuối truyện chứa đựng nhiều ý nghĩa:

  + Đặt trong mối quan hệ với hiện tại, đoàn tàu là một thế giới khác hẳn với cuộc sống tràn đầy bóng tối, tẻ nhạt, đơn điệu nơi phố huyện nghèo. Thế giới rực rỡ ánh sáng, ngập tràn âm thanh, chứa đựng bao điều mới mẻ, thú vị. Và thế giới ấy còn giúp những người dân nơi phố huyện nhận ra còn có một cuộc sống đáng sống hơn nơi phố huyện nghèo – cái ao đời phẳng lặng kia. Chi tiết đoàn tàu xuất hiện còn khơi dậy khát vọng và ước mơ của chị em Liên: khát vọng vượt thoát, khát vọng đổi thay khác hẳn với sự tối tăm, tù túng nơi phố huyện.

Nhận xét về giá trị hiện thực của mỗi nhà văn

 - Nguyễn Minh Châu đã nhìn cuộc sống đời thường với một mối quan tâm đặc biệt để chỉ ra những vấn đề bên trong của nó và làm cho người đọc cũng phải nhìn sự vật, cuộc sống, con người theo kiểu của mình, từ đó cùng suy nghĩ tìm ra cách giải quyết một cách thỏa đáng, tóm lại là tìm đọc ra đáp số cho bài toán nghịch lí của cuộc đời. Viết văn, với Nguyễn Minh Châu, luôn là sự thực hiện khát vọng tác động đối với đời sống và con người, là đặt ra những vấn đề về mối quan hệ giữa văn học và đời sống.

 - Chính với những câu văn nhẹ nhàng, Thạch Lam đã đi vào cuộc sống nghèo nàn, cùng quẫn không lối thoát của chị em Liên, của chị Tí… Đằng sau những câu văn nhẹ nhàng đó là tấm lòng sâu kín của tác giả với bao số phận nghèo khó. Ông đã đem đến cho họ ánh đèn rực rỡ của quá khứ năm nào, nhà văn đã đem đến cho chị em Liên một "Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo" mà giờ đây là quá khứ tuyệt vời bao người đang khát vọng.

theo K14

Trung tâm luyện thi, gia sư - dạy kèm tại nhà NTIC Đà Nẵng

LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT


ĐÀO TẠO NTIC 

Địa chỉĐường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857 

Email: daotaontic@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha