GÓP LỜI VỀ TÌM HIỂU CÂU CA DAO HAY ”TRONG LÊN HÒN KẼM ĐÁ DỪNG”

"Thương kiểng nhớ quê" là đi lấy chồng xa rồi mà còn thương nhớ dây dưa với người tình cũ rồi mượn cớ nhớ quê hương để về gặp lại.

Ngày đăng: 13-08-2021

1,037 lượt xem

Có thể là hình ảnh về thiên nhiên và hồ

Ngó lên Hòn Kẻm Đá Dừng

Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi

Thương cha nhớ mẹ thì về

Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng

Đây là một bài ca dao nổi tiếng về cảnh và tình của người Quảng Nam.

Có một trí thức Quảng Nam tuổi ngoài 70, viết rằng bài ca dao là một ẩn số - ẩn số nằm ở câu cuối "Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng".

Tôi muốn góp lời tìm hiểu vẻ đẹp của bài ca dao cũng như điều mà một đồng nghiệp quê Quảng Nam nâng lên mức ẩn số.

Bài ca dao ngắn nhất là 2 câu. Bài nào dài 4 câu trở lên thì ý tứ mỗi cặp câu là một tiểu ý.

Câu 1,2 với hình ảnh như là cách nói quen thuộc, làm nền, tạo tiền đề để nói ý ở câu 3,4. "Hòn Kẻm Đá Dừng" là hình ảnh có thật và nổi tiếng ở Quảng Nam, hình ảnh này được tác giả dân gian sử dụng có tính biểu tượng để so sánh đồng nhất công lao cha mẹ với con cái cao lớn như núi Hòn Kẻm Đá Dừng. Đã nói đến núi thì hiển nhiên hàm ý cả suối nguồn. "Công cha như núi Thái Sơn,/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra." Con người nói chung và cô gái đi lấy chồng nói riêng, có văn hóa, có hiếu nghĩa thì thấy công lao sinh thành của cha mẹ đối với mình cao lớn như Hòn Kẻm Đá Dừng, và vì thế mà thương cha nhớ mẹ quá chừng... không thể nói hết thành lời.

-Ở câu 3, 4: Đồng nghiệp nói rằng 3 câu đầu dễ hiểu, còn câu 4 là một "ẩn số", đó là vì sao "thương cảnh nhớ quê thì đừng" (?)

Khi con gái đã đến tuổi đi lấy chồng rồi, nhất là đi lấy chồng xa, lúc này chỉ còn biết đến chồng con là hạnh phúc hiện hữu, chỉ còn biết đến gia đình cha mẹ đôi bên, cần chôn chặt (chứ không thể xóa sạch) những mối tình "kiểng" đã qua, có thể vì rất nhiều lý do làm cho hai người yêu nhau tha thiết thật lòng nhưng không thể thành vợ thành chồng của nhau, nhất là trong mấy ngàn năm văn hóa hôn nhân phong kiến chuyên chế không có tự do mà chỉ có cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy.

Vì thế, cô gái đi lấy chồng xa quê nói chung, chứ không nhất thiết là "cô gái đồng bằng hay miền biển đi lấy chồng miền núi", "nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng." Từ "kiểng" thực ra là "cảnh". Người từ Quảng Nam trở vào nói tránh từ "cảnh" vì đây là tên Hoàng tử Cảnh thời vua (chúa) Nguyễn nên nói thành "kiểng". Tôi vẫn nghe một số người Quảng Nam ngày nay đọc câu ca dao là "thương cảnh..." tức là không nói tránh nữa. Cũng giống như vùng văn hóa Bình Trị Thiên nói tránh từ "hồng" - hoa hồng thành "hường" - hoa hường, bông hường, vì từ "hồng" là tên của một hoàng hậu hay công chúa nào đó thời nhà Nguyễn.

Nếu cô gái đã đi lấy chồng xa mà chỉ "nhớ quê" chung chung hay "thương kiểng", trong đó hàm ý cả thương nhớ người tình xưa, chứ chưa chắc cha mẹ còn sống để mà thương nhớ, hay còn cha mẹ đấy nhưng cô gái chẳng nhớ thương, hoặc có thương nhớ cha mẹ nhưng thương nhớ cả "kiểng", cũng có khi chỉ vì "thương kiểng" rồi về, thì nó sinh sự lắm. Vì "Tình cũ không rủ cũng đến", ai đã có vợ có chồng, có gia đình con cái rồi mà gặp người tình cũ là nó liều mạng lắm.(tui là nam giới cũng rứa, gặp lại người yêu xưa tui cũng liều mạng như bất kỳ "con người" nào") thì lúc đó dễ tan cửa nát nhà, chia lìa đội ngã. Cho nên thế hệ ông cha khuyên "Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng."

"Thương kiểng nhớ quê" là đi lấy chồng xa rồi mà còn thương nhớ dây dưa với người tình cũ rồi mượn cớ nhớ quê hương để về gặp lại.

Như thế là hư sự, sinh chuyện. Cô gái đã đi lấy chồng xa quê đừng về trong tâm tưởng như thế.

Nhà văn Xuân Đức viết: "Mối tình đầu đi qua cuộc đời người con gái như một giọt mật. Giọt mật ! Nghĩ tới thì khát khao, uống vào thì ngọt lịm, nhưng đem nhỏ vào vết bỏng thì buốt thấu tận tim gan", nên "Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng".

Theo Facebook thầy Nguyễn Quang Phú

 

LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT


ĐÀO TẠO NTIC 

Địa chỉĐường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857 

Email: daotaontic@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha