HÌNH ẢNH ”CHỢ” VỚI TRAI CHỌN VỢ VÀ GÁI THƯƠNG CHỒNG TRONG CÂU CA DAO

Từ xưa đến nay, đảm nhận công việc đi chợ nội trợ lo bữa ăn hàng ngày nuôi sống gia đình chồng con chủ yếu là con gái/phụ nữ, nên đến chợ thấy chủ yếu là nữ giới.

Ngày đăng: 25-04-2022

846 lượt xem

     Dân gian qua nhiều bài ca dao thường hay lấy hình ảnh chợ để nói về kinh nghiệm con trai đi chọn vợ hoặc thể hiện tình cảm yêu thương của vợ chồng dành cho nhau. Không phải bài ca dao nào ý nghĩa cũng dễ hiểu hoặc cũng hay đẹp hết. Có những bài ca dao suy nghĩ nửa đời người vẫn chưa hiểu hết hoặc chưa tìm được cách hiểu để đồng tình. Thế mới là văn học dân gian nói riêng và văn học nói chung

     Bài 1.

Trai khôn chọn vợ chợ đông

Gái khôn chọn chồng ở chốn ba quân

     Từ xưa đến nay, đảm nhận công việc đi chợ nội trợ lo bữa ăn hàng ngày nuôi sống gia đình chồng con chủ yếu là con gái/phụ nữ, nên đến chợ thấy chủ yếu là nữ giới. Ngươi con gái/phụ nữ khi đi chợ, dẫu tiền không nhiều, nhưng nếu nói năng khôn ngoan và biết lựa chọn trả giá thì sẽ mua được thực phẩm tươi ngon hợp khẩu vị chồng con và theo mùa. Đây cũng là mẫu người con gái khi làm vợ làm mẹ sẽ đảm đang tháo vát lo toan trọn vẹn công việc gia đình êm ấm hạnh phúc, làm hậu phương vững chắc cho người chồng. Vì thế người xưa khuyên "Trai khôn chọn vợ chợ đông", người con trai khôn khi chọn vợ thì ra chợ lúc đông phụ nữ/con gái đi chợ để nghe họ nói năng và quan sát họ mua bán để chọn được người vợ khôn ngoan lo cho tương lai hạnh phúc gia đình.

     Câu sau có nội dung ý nghĩa tương tự như câu trước nhưng nói về việc con gái chọn chồng, "Gái khôn chọn chồng ở chốn ba quân".

     Xưa nay chủ yếu nam giới lo việc quân làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Nơi ba quân - quân đội, người con trai phải mạnh mẽ, nhanh nhẹn, tháo vát mưu lược mới hoàn thành nhiệm vụ và lập công lớn cho đất nước cũng như làm rạng danh cho gia đình vợ con. Người con trai như thế cũng rất xứng đáng làm chồng làm cha làm trụ cột cho gia đình. Người con gái khôn ngoan khi chọn con trai làm chồng phải biết đến chốn ba quân may ra mới chọn được người chồng vừa ý.

     Bài ca dao là lời khuyên, bài học kinh nghiệm cho con trai con gái lớn lên với việc chọn vợ chọn chồng xây dựng hạnh phúc gia đình.

     Bài 2.

Gái thương chồng đương đông buổi chợ

Trai thương vợ nắng quái chiều hôm

     Thú thật, với bài ca dao này, hơn 40 năm từ thời sinh viên Đại học cho đến suốt thời gian theo nghề dạy ngữ văn THPT, tôi suy nghĩ tìm hiểu mãi mà chưa gặp bài viết nào cho tôi đồng ý cũng như chính mình chưa tìm ra cách hiểu thỏa đáng, nhất là câu 2.

     Hình ảnh "chợ" ở câu đầu bài ca dao thứ hai này, cũng được sử dụng để so sánh nói về tình cảm tình yêu đôi lứa, nhưng "chợ" ở đây không mang nghĩa đen chỉ chợ trời nữa, mà nó mang nghĩa bóng, hàm ẩn chỉ chợ tình - số người đông như chợ.

     Ngày xưa, "gái thập tam, nam thập lục" dậy thì là đã được cha mẹ dựng vợ gả chồng. Có bài ca dao: "Lấy chồng từ tuổi mười ba/ Đến năm mười tám thiếp đà năm con." Những cô gái có nhan sắc duyên dáng, mười ba tuổi lấy chồng, đến tuổi hai mươi sinh đẻ bình thường, dù đã có một hoặc hai con thì lúc này dẫu đã là người phụ có chồng con nhưng trông như vẫn đang trong tuổi mới trưởng thành xong, cơ thể phát triển cân đối hài hòa, nhiều khi người phụ nữ ấy ra đường, nhiều người vẫn tưởng như gái chưa chồng. Gái một, hai con nhưng tuổi mới trên dưới hai mươi nên trông mòn con mắt. Sẽ có rất nhiều anh chưa có vợ hoặc đã có vợ, nhầm tưởng người phụ nữ xinh đẹp này chưa có chồng nên sẽ làm quen, ngợi khen tán tỉnh tỏ tình muốn lấy cô làm vợ. Số người tán tỉnh đông như người ở chợ trời. Nhưng nếu người phụ nữ đã có chồng con nhưng còn trẻ đẹp, một lòng yêu thương thủy chung với chồng thì sẽ quyết không nhìn không thấy không nghe những lời tán tỉnh của những người khác giới dành cho mình. Tình yêu thương thủy chung của người vợ khi mình còn trẻ đẹp với chồng lúc này mới đích thực, mới chân thực, mới có giá trị.

     Câu hai nói về tình cảm "Trai thương vợ nắng quái chiều hôm". Tôi thấy khó hiểu chính là ở câu này.

     Có người hiểu "nắng quái" là nắng gắt, nắng xiên khoai, nghĩa là tuổi đang trai trẻ thì có tình cảm thương vợ tha thiết nóng bỏng. Nhưng tôi thấy hiểu như thế thì không đúng với thực tế quan sát quy luật tự nhiên và xã hội, đời sống vợ chồng của con người xưa nay.

Xin lưu ý dân gian nói "nắng quái chiều hôm". Tôi hiểu cần gắn từ "nắng quái" với từ "chiều hôm". "Chiều hôm" là trời chiều, là sắp hết ngày, mặt trời sắp gác núi, là nắng dịu nhẹ.

     Con trai dù đã có vợ nhưng tuổi còn trẻ, còn sung sức, thừa năng lượng. Bản chất nam giới là hướng ngoại, mê gái, là thích chinh phục , nên con trai dù đã có gia đình vợ con vẫn mê gái, vẫn thích tán tỉnh những cô gái khác dù chưa chồng hay đã có chồng.(Xin tự thú riêng bản thân tôi cũng mê gái, tán gái ngay cả khi đã...) Đến khi tuổi già như "nắng quái chiều hôm", không còn khả năng cơ hội mê gái tán tỉnh nữa thì lúc ấy người con trai/người chồng mới quay về một lòng thương yêu vợ mình.

     Vậy câu một nói về tình thương yêu chung thủy của người vợ với chồng khi còn trẻ đẹp mới có ý nghĩa đích thực. Câu hai với nội dung có sự bất công khi nói về tình thương yêu của người chồng đến khi tuổi già mới dành cho vợ, nhưng lại đúng với quy luật tự nhiên.

Xin nhớ cho con người cũng chỉ là một động vật, thậm chí cũng chỉ là một động vật không hoàn thiện.

Thầy Nguyễn Quang Phú

 

LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT


ĐÀO TẠO NTIC 

Địa chỉĐường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857 

Email: daotaontic@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha