CHUYỆN ĐỀN CUÔNG - MỴ CHÂU - TRỌNG THỦY

Từ lâu tôi đã biết đến cái đền thờ An Dương Vương ở lưng chừng ngọn núi thấp này có tên gọi là Đền Cuông, vì ngày xưa có chim cuông (chim công) bay về rất nhiều.

Ngày đăng: 19-10-2021

674 lượt xem

Hồi mới ra trường, dạy Văn lớp 8, ngay từ học kỳ một, tôi đã phải dạy cho học trò một truyện cổ: Mỵ Châu Trọng Thủy. Chủ đề tư tưởng mà tôi phải hướng tới là: bài học cảnh giác, phải đặt quyền lợi của đất nước lên trên tình yêu riêng tư.

Tất nhiên, tôi phải làm đúng như vậy, nhưng vẫn cảm thấy có cái gì đó ngang ngang. Sao lại đổ hết tội lên đầu cái cô bé con ấy nhỉ? Chuyện nước mất nhà tan đâu phải do cô bé ấy nhỉ?!

Trong những năm chiến tranh, tôi đi ra Hà Nội là phải ngang qua huyện Diễn Châu, ngang qua cái chỗ đèo Mộ Giạ, nơi mà An Dương Vương khi biết mình cùng đường, đã chém chết Mỵ Châu rồi đi được thần Kim Quy đón xuống biển.

Sao cô bé phải chịu một số phận bi thảm như vậy nhỉ? Có lẽ người kế chuyện đời sau, vì xót thương cho cô mà đã thêm vào một cái kết: máu Mỵ Châu chảy xuống biển, loài trai ăn lấy mà sinh ra ngọc trai.

Kết như thế cũng đỡ một chút, nhưng vẫn chưa phải.

Cái ngày tôi đi qua đèo Mộ Giạ ấy, vì bom đạn suốt ngày trên đường quốc lộ, tôi phải dắt xe đạp đi vòng xuống biển rồi mới đi lên, bởi không thể lội biển mà vượt qua ngọn núi được.

Lên đến đường rồi thì cắm cổ chạy cho qua khỏi nơi ví như một cửa tử ấy.

Ra đến Hà Nội, tôi ghi vào sổ tay:

Anh đến tìm nhưng chẳng thấy em đâu

Kìa quân thù lại đến bắn Mỵ Châu!

Mấy hôm sau, ra ngồi xổm uống bia hơi với Phùng Quán, nhạc sỹ Đặng Đình Hưng (bố của Đặng Thái Sơn) nâng cốc bia lên và nói:

Câu thơ của cậu làm mình thương cô Mỵ Châu quá, đến bây giờ vẫn còn khổ!

Rồi câu chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy cũng qua đi. Trong sách văn lớp 8 không còn chuyện ấy nữa. Tôi cũng quên mất câu thơ cũ.

Hè năm 2007, tôi bỗng nổi hứng làm một chuyến về nguồn, trở lại cái nơi mà năm 1959, lần đầu đi dạy , và được dạy cấp 2.

Rất may là cái nhà ông bạn cũ đón tôi ở ngay ngã ba Diễn Châu, cách núi Mộ Giạ chỉ khoảng mươi cây số. Bởi vậy, ngay sáng hôm sau, tôi đã được đến thăm.

Từ lâu tôi đã biết đến cái đền thờ An Dương Vương ở lưng chừng ngọn núi thấp này có tên gọi là Đền Cuông, vì ngày xưa có chim cuông (chim công) bay về rất nhiều. Bây giờ thì không có nữa.

Tôi lần bước lên núi, vào đền xin thắp hương cho nhà vua. Rồi tôi hỏi ông từ giữ đền:

- Thế thờ Công chúa ở đâu ạ?

- Dạ sau này ạ

Tôi bước theo ra, nhìn mà choáng: phía sau đến thờ vua, chỉ có một chái thờ con con, một bàn thờ con con, thưa thớt khói hương, dành cho người con gái. Thế là, sau ba ngàn năm, ông vua ấy vẫn uy nghi nhìn về phía trước, không thèm liếc nhìn đến đứa con gái tội nghiệp!

Chao ôi! Gã Trọng Thủy là ai? Một tên phản trắc. Hắn thừa biết khi hắn đã đánh cắp được lẫy nỏ của thần Kim Quy thì số phận của vợ hắn sẽ thế nào rồi. Thế mà còn nói giọng tình nghĩa: vạn nhất có chiến tranh thì tôi làm thế nào để tìm nàng?

Ai đã đưa hắn vào nhà? Chính nhà vua chứ ai! Lại chính nhà vua làm cái việc chưa có người cha Việt nào làm: vung gươm vào cổ con gái.

Từ Đền Cuông trở về tôi bỗng thấy buồn vô cùng . Ngay hôm đó tôi viết xong bài thơ này, để rồi ngay sau đó đăng vào chùm thơ lên hai tờ tạp chí. Riêng bài thơ Đền Cuông thì sau khi in xong, vị Tổng biên tập Sông Hương bị gọi lên hỏi han!

Hôm nay, tôi bỗng cảm thấy muốn đăng lại bài thơ này;

ĐỀN CUÔNG

Nghe nói khi bị chém

Máu Mỵ Châu không tan

Bắt biển hoá thành ngọc

Để nghìn thu kêu oan.

Cha dẫu nghiêm đến mấy

Nỡ nào cha vung gươm

Chồng bạc tình đến mấy

Nỡ nào tráo lẫy thần

Đền Cuông công bay hết

Về chi nữa em ơi

Cha già còn ngoảnh mặt

Mong gì đợi sửa sai

Lương Duy Cán

 

 

LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT


ĐÀO TẠO NTIC 

Địa chỉĐường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857 

Email: daotaontic@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha