Báo Đà Nẵng đưa tin về sự nghiệp trồng người của ngành giáo dục vào đúng ngày 20-11- 2011. Lời tâm huyết của những nhà giáo được ghi nhận và lan tỏa trên mặt báo.
Ngày đăng: 21-11-2021
633 lượt xem
Ông Mai Tấn Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Ngành giáo dục đồng lòng vượt khó
Năm học 2021-2022, ngành giáo dục tiếp tục bị ảnh hưởng của Covid-19, việc dạy và học phải thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Nhiều khó khăn về thiết bị dạy học, tâm lý của cả học sinh lẫn giáo viên nhưng đánh giá chung, ngành giáo dục thành phố đã hoàn thành tối thiểu các mục tiêu đặt ra. Nếu như thời gian đến, tình hình dịch kiểm soát tốt thì tổ chức dạy học trực tiếp cho lớp 12, tiếp đến là khối 10 và 11; giai đoạn tiếp theo sẽ tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho khối THCS để các em đến trường học trực tiếp; tùy diễn biến tình hình tiếp theo của dịch bệnh mà tổ chức đi học cho bậc tiểu học và mầm non.
Chúng tôi ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của cán bộ quản lý ở các cơ sở giáo dục nói chung và việc thực hiện kế hoạch dạy học của toàn thể giáo viên. Trong giai đoạn qua, các thầy cô giáo đã đồng hành ngành giáo dục khắc phục khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề và học sinh để cùng nhau đoàn kết, sáng tạo, ứng phó với dịch bệnh và mang kiến thức đến cho học sinh, sinh viên...
Chúng tôi cũng cảm ơn phụ huynh đã sẻ chia để ngành giáo dục thực hiện được mục tiêu kép vừa tổ chức giảng dạy vừa thực hiện phòng, chống dịch. Chúng tôi đánh giá cao việc tận tâm, nỗ lực học tập của học sinh, vượt qua khó khăn để học tập, đạt mục tiêu đề ra.
Covid-19 tác động đến mọi ngành, mọi nghề; trong đó giáo dục ngoài công lập gặp nhiều khó khăn, đặc biệt bậc học mầm non, nhà trẻ bị tổn thương nhiều nhất. Thời gian qua, ngành giáo dục tham mưu thành phố có những chính sách hỗ trợ phù hợp đối với cơ sở mầm non cũng như giáo viên bậc học này. Chúng tôi chia sẻ và kỳ vọng các thầy cô khắc phục khó khăn để cùng toàn ngành vượt qua đại dịch.
Cô Nguyễn Thị Phương Lệ, giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THPT Phan Châu Trinh: Thích ứng, đổi mới trong dạy học
Có thể nói rằng, hơn 23 năm công tác trong ngành giáo dục, lần đầu tiên tôi chứng kiến dịch bệnh ảnh hưởng hoạt động dạy và học lớn như vậy. Nhưng ông bà ta từng nói “trong cái khó ló cái khôn”, càng khó khăn giáo viên càng phải tìm những giải pháp phù hợp để hoàn thành nhiệm vụ. Tôi cũng như hầu hết các giáo viên tự trang bị cho mình khả năng, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm, hệ thống dạy học trực tuyến; chuẩn bị giáo án chất lượng nhất.
Tôi luôn quan niệm, mỗi tiết học phải truyền cảm hứng để các em thích thú thật sự khi tìm hiểu kiến thức, chứ không đơn thuần đạt điểm cao. Sau thời gian dài tổ chức dạy học trực tuyến, cô trò đã hợp tác tốt. Hy vọng thời gian tới, dịch bệnh mau chóng được đẩy lùi để thầy trò gặp nhau đúng nghĩa với phương châm “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”.
Cô Nguyễn Thị Đại Bàng, giáo viên Trường Tiểu học Phan Phu Tiên (quận Liên Chiểu): Tôi vẫn sẽ chọn nghề giáo
Tại Trường Tiểu học Phan Phu Tiên, học sinh đa phần là con công nhân, người lao động thu nhập thấp nên bên cạnh việc dạy dỗ, nhà trường luôn quan tâm hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Trong thời gian dạy học trực tuyến, thông qua kết nối với thiết bị điện tử, tôi có thể quan sát điều kiện của từng học sinh và cảm nhận được sự khó khăn mà gia đình các em đang gặp phải do ảnh hưởng của Covid-19. Tùy theo từng trường hợp, tôi gọi điện chia sẻ về mặt tinh thần và tìm cách hỗ trợ vật chất phù hợp.
25 năm trong nghề, nếu cho chọn lại, tôi vẫn sẽ chọn nghề giáo vì tôi có cơ hội được tiếp xúc, làm bạn, gắn bó với nhiều lứa học sinh. Với bất kỳ giáo viên yêu nghề nào cũng muốn làm điều tốt nhất cho học sinh thân yêu của mình. Dịch bệnh tác động đến mọi mặt nhưng cũng là giai đoạn chúng ta thêm thấu hiểu để thêm thương học sinh và nuôi dưỡng tình yêu nghề.
Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Bình Minh: Truyền cho nhau năng lượng tích cực
Thời gian qua, giáo viên mầm non, đặc biệt ở các cơ sở mầm non tư thục gặp nhiều khó khăn. Tôi được biết nhiều giáo viên tỏ ra hoang mang vì không biết khi nào tình hình dịch bệnh được kiểm soát để đi dạy trở lại, ổn định cuộc sống. Vì thế, tôi nghĩ rằng, trong giai đoạn này, nhiệm vụ của nhà quản lý là cần động viên tinh thần, truyền năng lượng tích cực cho cán bộ, nhân viên, giáo viên của đơn vị. Riêng với Trường Mầm non Bình Minh, tôi luôn khơi dậy những điều tích cực bất cứ khi nào có thể. Trong giai đoạn học sinh chưa đến trường, chúng tôi động viên nhau dành thời gian này để nghĩ ra những ý tưởng, bài giảng hay cho các con.
Đồng thời, chúng tôi cũng thường xuyên đến trường lau dọn, sắp xếp đồ chơi, đồ dùng học tập; trang trí lớp học, làm thư viện ngoài trời…, sẵn sàng đón các con trở lại trường học trong môi trường sạch, đẹp và mới lạ hơn. Những việc làm từng chút, từng chút ấy khiến chúng tôi cảm thấy vui, tinh thần lạc quan, truyền cho nhau năng lượng tích cực vượt qua khó khăn, gắn bó hơn với nghề dạy trẻ.
Thầy Lê Châu Khoa, giáo viên môn tiếng Anh Trường THCS Nguyễn Tri Phương (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang): Nuôi lửa đam mê nghề giáo
Tôi được phân công về công tác giảng dạy tiếng Anh tại Hòa Bắc - một xã miền núi của thành phố vào năm 1997 ngay khi vừa tốt nghiệp đại học. Lúc đó, Hòa Bắc chưa có điện, đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa. Vì nhà xa nên tôi ở lại nội trú nhà dân gần trường. Ban ngày đi dạy ở trường, ban đêm hướng dẫn học sinh học bài và làm bài tập về nhà. Năm 2000, Hòa Bắc được lắp đặt hệ thống điện lưới và sửa lại đường sá, xây dựng thêm trường lớp và nhà nội trú cho giáo viên. Tôi vẫn tiếp tục bám địa bàn, tình nguyện dạy phụ đạo cho học sinh hằng năm, đặc biệt các em học sinh lớp 9 chuẩn bị thi tuyển vào lớp 10.
Sau này với sự phát triển của internet, tôi áp dụng công nghệ thông tin vào các bài giảng của mình làm tăng sự hưng phấn của học sinh. Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh, tôi tạo ra kênh youtube “English for Students: Tiếng Anh dành cho học sinh” để cho các em tự học, ôn tập. Đó là tình cảm của tôi dành cho học sinh Hòa Bắc trong suốt 24 năm qua với kỳ vọng nuôi lớn ngọn lửa đam mê nghề giáo cho những đứa trẻ vùng ven thành phố này và các em sẽ quay về phục vụ chính mảnh đất quê hương mình. Trong tương lai, tôi mong muốn có chính sách khuyến khích học sinh giỏi theo ngành giáo và ngày càng nhiều nhà giáo mang chữ đến những vùng sâu, vùng xa.
NGỌC HÀ ghi
LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT
ĐÀO TẠO NTIC
Địa chỉ: Đường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857
Email: daotaontic@gmail.com
Gửi bình luận của bạn