Giá trị lớn của bài thơ ĐÒ LÈN đạt được là ở ngôn từ bình dị mà tuyệt đẹp, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về tình yêu thương con người có sức mạnh hơn bom đạn và con người phải biết sống trung thực với chính mình.
Ngày đăng: 08-12-2022
465 lượt xem
Rất tiếc là hai mươi năm qua, bài thơ ĐÒ LÈN của Nguyễn Duy chỉ được bộ Giáo dục đưa vào phần đọc thêm của chương trình Ngữ văn lớp 12. Trong lúc thực tế những tác phẩm trong chương trình chính khóa, học sinh chưa chắc đã đọc hoặc được nghe giảng kỹ, nói gì tác phẩm đọc thêm không nằm trong chương trình thi cử. Và nhiều khi tác phẩm đọc thêm lại hay hơn về nghệ thuật và giàu giá trị nội dung ý nghĩa hơn tác phẩm chính khóa.
Bài thơ ĐÒ LÈN (9.1983)
Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
Níu váy bà đi chợ Bình Lâm
Bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
Và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
Chân đất đi đêm chơi lễ đền Sòng
Mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
Điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
Bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
Bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thừng những đêm hàn
Tôi đi suốt giữa hai bờ hư - thực
Giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần
Cái năm đói củ dong riềng luộc sượng
Cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm
Bom Mĩ dội nhà bà tôi bay mất
Đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
Dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
Khi tôi biết thương bà thì đã muộn
Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi
***
Trước hết, bài thơ hiện lên hình ảnh tuyệt đẹp của Bà ngoại đã nuôi đứa cháu mồ côi cha mẹ, một vẻ đẹp gần gũi giản dị mà tôi nghĩ không có nhà phê bình nào hay ngôn từ nào đủ sức mạnh nội dung ý nghĩa để diễn đạt. Đó là vẻ đẹp của người Bà rất giàu tình yêu thương ruột thịt dành cho cháu, vẻ đẹp của những con người dưới đáy nhưng nghị lực cao hơn trời đã vượt lên mọi gian khổ để tồn tại và thắp ngọn lửa hy vọng tương lai. Bà đi mò cua, xúc tép, bán ly nước, quả trứng để nuôi thân và nuôi đứa cháu mồ côi có cái tên Nguyễn Duy.
Nguyễn Duy khẳng định Bà có sức mạnh hơn thánh thần nên đã chiến thắng mọi hoàn cảnh khốc liệt và bà trong đời thực đẹp hơn Tiên Phật trong tưởng tượng của con người:
"Bom Mĩ dội nhà bà tôi bay mất
Đền sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
Thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
Bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn"
Một điều đặc biệt nữa của bài thơ, không như nhiều người luôn CHỦ TÂM DỐi TRÁ BÔI PHẤN TRÁT SON LÒE LOẸT ĐỂ CHE ĐẬY LẤP LIẾM QUÁ KHỨ XẤU XA CỦA MÌNH, Nguyễn Duy qua bài thơ ĐÒ LÈN đã RỰC SÁNG VẺ ĐẸP NHÂN CÁCH LÀM NGƯỜi, DŨNG CẢM và TRUNG THỰC ĐẾN TẬN ĐÁY VỚI CHÍNH MÌNH. Nhà thơ Nguyễn Duy không ngại ngần khi nhắc lại kỷ niệm tuổi thơ của mình với những khuyết điểm xấu xa như đã từng leo lên vai tượng Phật để "bắt chim sẻ" hay "ăn trộm nhãn chùa Trần". Và Nguyễn Duy ân hận nuối tiếc xót xa đau đớn khi mình biết thương Bà thì Bà không còn trên cõi đời này nữa:
"Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
Dòng sông xưa vẫn bên lở, bên bồi
Khi tôi biết thương bà thì đã muộn
Bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi"
Tôi dành ý cuối cùng để nói về ánh sáng từ trong đêm tối ở khổ thơ thứ 4:
"Tôi trong suốt giữa hai bờ hư - thực
Giữa bà tôi và tiên, Phật, thánh, thần
Cái năm đói củ dong riềng luộc sượng
Cứ nghe thơm mùi huệ trắng, hương trầm"
Nguyễn Duy ngầm so sánh khẳng định để đặt Bà ngoại của mình trước và ngang với tiên Phật thánh thần ngay trong cái thời khắc sống như chết. "Cái năm đói", sự sống con người chỉ bằng những "củ dong riềng luộc sượng", có lẽ vì sắp chết đói nên không còn có thời gian chờ đợi luộc cho nó chín. Sẽ chết mất khi phải đợi luộc chín củ dong riềng, nếu phải chết thì luộc chín củ dong riềng để làm gì !? Và "Cái cái năm đói củ dong riềng luộc sượng" mà khi ăn vẫn có cảm giác thơm ngon như được ăn cỗ với những món ngon ngày thường một thuở không dễ gì có được.
Hai mươi năm, tôi tranh học sinh đọc bài thơ ĐÒ LÈN. Mỗi lần đọc bài thơ là mỗi lần tôi nổi gai ốc, sởn da gà.
Giá trị lớn của bài thơ ĐÒ LÈN đạt được là ở ngôn từ bình dị mà tuyệt đẹp, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc về tình yêu thương con người có sức mạnh hơn bom đạn và con người phải biết sống trung thực với chính mình. Vì không ai hiểu mình bằng chính mình.
Thầy Nguyễn Quang Phú
LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT
ĐÀO TẠO NTIC
Địa chỉ: Đường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857
Email: daotaontic@gmail.com
Gửi bình luận của bạn