TUYỂN SINH VÀO 10 ÁP LỰC KHÔNG NHỎ DÀNH CHO HỌC SINH THCS

Trung tâm gia sư - dạy kèm tại nhà NTIC Đà Nẵng chia sẻ về một cuộc thi không kém phần khốc liệt so với kì thi THPT quốc gia đó là thi chuyển cấp vào lớp 10

Ngày đăng: 11-06-2017

1,613 lượt xem

Kết quả hình ảnh cho tuyen sinh vào 10 và gian nan

Ngày thi vào lớp 10 của con là một ngày trọng đại với cả gia đình tôi.

Trước đó nhiều tháng, gia đình tôi tính từng ngày và lo lắng theo dõi việc học hành của cháu. Còn con tôi thì chạy theo lịch ôn thi kín mít từ sáng tới chiều, nhiều hôm thức tới 1-2 giờ sáng.

Học tốt, đích của cháu không chỉ là trường công mà còn là trường chuyên. Mà đã là trường chuyên, cạnh tranh rất khốc liệt, nhiều nơi còn khó hơn vào đại học. Có những trường tỷ lệ chọi lên tới 10/1 (10 học sinh chỉ nhận một). Trường thấp hơn tỷ lệ cũng phải 5/1 hoặc 6/1. Nỗ lực là một chuyện. Nhưng thi cử cũng có khi xảy ra rủi ro. Tôi đành an ủi cả nhà rằng con có sức học, nếu cháu không vào được nơi mơ ước thì vẫn có khả năng lọt vào các trường công lập tốt.

Nhưng với cô bạn thân cháu vẫn chơi chung từ tiểu học thì mọi chuyện không đơn giản như vậy. Cháu này khá chăm nhưng sức học không tốt nên kết quả chỉ trung bình khá, gia cảnh lại khó khăn. Vì vậy mẹ cháu lo lắng nhiều hơn tôi gấp bội. Nếu cháu trượt công lập, chị không đủ khả năng cho con học dân lập. “Còn những trường nghề hay trung tâm giáo dục thường xuyên, gia đình không muốn cho con theo học. Bởi vậy mà mấy tháng nay tôi rối như canh hẹ”, chị nhăn nhó nói vậy.

14 - 15 tuổi, ở tuổi ăn chưa no lo chưa tới, bọn trẻ chưa đủ hiểu biết để đánh giá hết tầm quan trọng của kỳ thi chuyển cấp; cũng lại còn quá vô tư để chia sẻ gánh nặng kinh tế với bố mẹ. Sức ép của kỳ thi vào lớp 10 vì vậy nặng nề không chỉ với các cháu mà cả với phụ huynh. Thế nên dù nhiều khi tự nhủ lòng mình rằng hãy giảm sức ép cho con cái, giảm sức ép cho bản thân… không chỉ gia đình tôi mà hầu hết các bậc cha mẹ đều khó lòng ra quyết định dứt khoát. Bởi có ai dám chắc rằng nếu ra khỏi vòng chạy đua mệt mỏi này, tương lai các cháu thế nào; và ai sẽ chịu trách nhiệm cho điều đó?

Ngày con tôi đi thi, tôi cũng quay cuồng lo lắng nên không suy nghĩ gì nhiều lúc đó. Nhưng hôm nay, nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong những ông bố bà mẹ xung quanh, tôi tự hỏi, điều gì đã đẩy chúng tôi vào vòng quay mệt nhọc này. Điều gì đã khiến cho kỳ thi vào lớp 10 trở thành một cuộc chen chúc khốc liệt vào một cái nút thắt cổ chai. Liệu có phải học sinh chúng ta có quá ít lựa chọn sau bậc trung học cơ sở.  Nếu không học công lập, học sinh có thể chọn trường tư thục, đi học nghề hoặc học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên. Xét về mặt lý thuyết, sự lựa chọn là không thiếu.

Nhưng thực tế ra sao. Tôi tạm bỏ qua các trường tư thục, bởi do vấn đề tài chính, tư thục không phải là giải pháp mà phụ huynh nào cũng có thể chọn, ví như gia đình người bạn của con tôi trên kia. Nhưng tôi thực sự băn khoăn trước các con số cho thấy, gánh nặng giáo dục ở bậc học này chủ yếu đè lên hệ thống công lập. Khả năng đáp ứng của hệ thống dạy nghề và giáo dục thường xuyên là quá nhỏ và quá nhiều hạn chế. Ví dụ, năm học 2016-2017, Hà Nội có khoảng 81.500 học sinh tốt nghiệp THCS và chuyển cấp. Trong đó, khoảng 67.500 em sẽ vào hệ THPT (trường công lập tuyển 53.000 học sinh, trường ngoài công lập tuyển 14.500 học sinh). Số lượng dự kiến vào các trung tâm giáo dục thường xuyên hơn 8.100; vào trường trung cấp chuyên nghiệp khoảng 5.800.

Trong khi hệ thống phổ thông công lập quá tải, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường dạy nghề rơi vào cảnh không tuyển đủ thí sinh. Tâm lý thích khoa cử, thích thành tích, thích làm thầy hơn làm thợ đã ăn sâu vào tâm trí của dân tộc có thể là một trong những nguyên nhân lý giải cho tình trạng này. Nhưng tôi cho rằng, nguyên nhân chính vẫn nằm ở chất lượng của khối trường dạy nghề và giáo dục thường xuyên. Bộ Giáo dục đã cung cấp cho học sinh rất nhiều lựa chọn nhưng dường như chưa thực sự chăm sóc để những lựa chọn đó đáng được chọn.

Chừng nào các trường dạy nghề chưa đào tạo được những người làm nghề thực sự; chừng nào việc ghi danh vào các trung tâm giáo dục thường xuyên còn bị coi như một nỗi xấu hổ thì chừng đó các kỳ thi vào công lập vẫn là một cuộc đua sống chết của học sinh và phụ huynh, đặc biệt là những phụ huynh nghèo.

Con tôi, ơn trời, đã vượt qua ải lớp 10. Nếu ngày đó con trượt công lập, tôi không biết mình dám lựa chọn điều gì cho cháu?

Nguyễn Anh Thi

LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT


ĐÀO TẠO NTIC 

Địa chỉĐường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857 

Email: daotaontic@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha