Việc học sẽ hiệu quả nhất khi người học được nhập cuộc, được tiếp xúc với thực tế công việc, được chủ động làm ra những đồ vật hữu hình trong thế giới thực... do Trung tâm gia sư dạy kèm tại nhà NTIC Đà Nẵng tổng hợp và giới thiệu.
Ngày đăng: 23-12-2016
2,398 lượt xem
I. Lời tựa
Phương pháp dạy học tích cực là phương pháp coi trọng vai trò chủ động của người học trong quá trình học tập, người học chủ động tự xây dựng hiểu biết cho bản thân; tự kết nối thông tin mới với thông tin hiện tại để kiến thức mới có ý nghĩa hơn và tạo nên các thông tin mới khác. Việc học tập không phải diễn ra nhờ quá trình chuyển thông tin từ giáo viên hay giáo trình đến bộ não của học sinh; thay vào đó, mỗi người học tự xây dựng hiểu biết hợp lý mang tính cá nhân của riêng họ.
II. Đặc trưng của phương pháp dạy học tích cực
- Nhận thức là quá trình hoạt động thu nhận tri thức; bản chất của ý thức là tích cực, tự giác, sáng tạo theo nhu cầu biến đổi khách thể.
- Từ cơ sở triết học đó, dạy học tiếp cận lý thuyết kiến tạo có các quan điểm cơ bản sau:
a. Học trong hoạt động.
Học là một hoạt động đặc thù của con người, trong đó người học vừa là chủ thể, vừa là đối tượng tác động. Cách học tốt nhất là học trong hoạt động và thông qua hành động.
Việc học sẽ hiệu quả nhất khi người học được nhập cuộc, được tiếp xúc với thực tế công việc, được chủ động làm ra những đồ vật hữu hình trong thế giới thực. Giáo viên cần tổ chức được các tình huống để đưa người học vào hoạt động, qua đó người học kiến tạo được kiến thức, phát triển trí tuệ và nhân cách. Chủ trương tăng cường các môn học thực hành, kết hợp hài hòa giữa các tiết dạy lý thuyết và các tiết dạy thực hành; hình thành các phân xưởng chế tạo, các nhà máy sản xuất trong trường học… là một trong những cách tiếp cận với lý thuyết kiến tạo trong dạy học.
b. Học là sự vượt qua khó khăn.
Những khó khăn trong cuộc sống, trong hành động tự bản chất như một quy luật tự nhiên để phát triển và thăng tiến cuộc sống. Khó khăn trong học tập đòi hỏi người học phải vượt qua để thể hiện sứ mạng, trách nhiệm và bổn phận của mình một cách tốt nhất có thể. Khó khăn là yếu tố hình thành nhân cách, là cơ hội làm lớn mạnh và là điều kiện để tiến hóa tinh thần. Trong quá trình tìm kiếm kiến thức, tư duy người học sẽ được thúc giục.
Người học cần phải hoạt động liên tục để tiến sát tới các mục tiêu đã định. Điều này trong hầu hết các trường hợp gây nhiều căng thẳng và mệt mỏi cho người học; giáo viên cần biết cách nhắc nhở, động viên, giúp đỡ họ thông qua việc đánh giá chính xác những hiểu biết và nỗ lực của họ. Tuy nhiên trong mọi trường hợp giáo viên rất cần hiểu rằng mọi sự thông cảm hay cử chỉ nhân ái không đúng lúc đều có thể để lại một hậu quả không mong đợi; giống như việc giúp một con bướm ra khỏi cái kén của nó…
Trong thực tế, không ít giáo viên vì "thương" người học, "thông cảm" cho khó khăn của người học mà bỏ qua khâu này khâu khác, không dám tiếp cận với các nguyên tắc mới trong dạy học, thậm chí đảo lộn logic của một quy trình giảng dạy…
c. Học trong sự tương tác.
Việc người học tiếp nhận được thông tin không phải diễn ra nhờ quá trình chuyển thông tin từ giáo viên đến bộ não của người học; thông qua sự tương tác trong quá trình học, người học sẽ tự xác lập nên kiến thức của mình. Tổ chức đàm thoại trong dạy học là nền tảng cơ bản để giáo viên xây dựng những bài giảng tích cực theo lý thuyết này.
Có hai dạng đàm thoại chính có thể thực hiện: Đàm thoại tái hiện, thích hợp dùng để ôn tập, củng cố kiến thức và đàm thoại gợi mở hay vấn đáp tìm tòi. Giáo viên cần đầu tư nâng cao chất lượng của các câu hỏi, nhất là các câu hỏi gợi mở, vấn đáp tìm tòi, các câu hỏi hiệu quả cao. Cần có kế hoạch tăng dần các câu hỏi có yêu cầu cao về mặt nhận thức, có sự thông hiểu và sáng tạo trong vận dụng kiến thức, hệ thống hoá, khái quát hoá kiến thức.
d. Học thông qua hoạt động giải quyết vấn đề.
Đặc trưng học thông qua hoạt động giải quyết vấn đề nhấn mạnh quan điểm cho rằng học sinh phải là người tự lực, tích cực hành động tìm tòi, khám phá đối tượng học tập để hình thành cho mình các nguyên tắc, các ý tưởng cơ bản từ các tình huống học tập cụ thể. Dạy học thông qua giải quyết vấn đề, giáo viên cần cung cấp nhiều tình huống để người học có thể đặt câu hỏi, khám phá và thực nghiệm cho đến tìm ra được các nguyên tắc, các ý tưởng, mối liên hệ cơ bản trong cấu trúc môn học.
Cần tổ chức cho người học tiến hành các hành động học tập tương ứng với các hình thức biểu hiện của cấu trúc (hành động thực tiễn, hành động mô hình hóa, hành động kí hiệu hóa), theo phương pháp chung là suy luận quy nạp, từ các hành động trên các vật liệu cụ thể để rút ra các nguyên tắc chung. Phương pháp này góp phần tích cực vào việc rèn luyện tư duy phê phán, tư duy sáng tạo cho người học. Trên cơ sở sử dụng vốn kiến thức và kinh nghiệm đã có người học sẽ xem xét, đánh giá, thấy được vấn đề cần giải quyết.
III. Hoạt động của giáo viên trong dạy học tích cực
Vai trò của giáo viên là giúp người học khám phá tri thức, tạo dựng cho họ năng lực kiến tạo kiến thức; tạo dựng được môi trường và những nhu cầu, những động lực thật sự để người học có điều kiện vật lộn với những vấn đề mà họ quyết định lựa chọn hoặc bắt gặp trong quá trình khám phá. Giáo viên chỉ nên đóng vai trò là người định hướng suy nghĩ, định hướng việc làm, không ép người học phải làm theo. Giáo viên không nên cho rằng môn học này, kiến thức kia là rất quan trọng, là không thể thiếu, không thể thay đổi. Sự thực là không giáo viên nào tự cho môn học của mình là ít quan trọng, là thứ yếu. Tuy vậy cũng phải thấy rằng hiện tại đã rất nhiều các môn học, các nội dung dạy học ở các cấp quá lạc hậu hoặc không còn phù hợp. Cần tạo cơ hội để người học tự cảm nhận được mức độ quan trọng của môn học, của tiết học, thông qua bản thân nội dung môn học, qua cảm hứng tiếp nhận, cảm hứng sáng tạo mà họ có được. Tổ chức lớp học theo thuyết kiến tạo sẽ làm mất nhiều thời gian và công sức của giáo viên hơn so với các phương pháp truyền thụ kiến thức kiểu cũ. Sẽ có những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, như sự ràng buộc đơn giản về thành tích, thiếu đáp ứng của cơ cở vật chất, khả năng tự đọc sách, tự nghiên cứu của người học… Dẫu sao cũng phải hiểu đó là điều không thể không làm. Hiện tại, bản thân phần lớn người học, từ kinh nghiệm bản thân, từ sách vở cũng biết được là chỉ khi tự tìm ra kiến thức họ mới có thể làm chủ được kiến thức đó, mới có thể đem kiến thức đó ra sử dụng. Có thể là khó khăn nhưng chắc chắn khi người học đã có được cách thức tìm kiếm tri thức thì cảm hứng về phương pháp hoạt động sẽ khiến họ chủ động trước các vấn đề mà giáo viên khêu gợi.
Một cách tổng quát, các hoạt động chủ đạo của giáo viên trong tiết giảng theo thuyết kiến tạo không phải là "trình bày" là "thuyết giảng", là viết bảng mà phải là:
- Tạo không khí học tập. Mục đích của người học và những vấn đề làm người học thực sự hứng thú là ưu tiên trước nhất của giáo viên. Kiến thức là tùy biến, đột hiện, không phải là sao chép hay phỏng theo nguyên mẫu.
- Tạo điều kiện để người học bộc lộ quan niệm riêng; tổ chức cho người học tranh luận về những quan niệm của mình. Giáo viên và học sinh cùng đàm luận, nhưng chỉ với ý tưởng và thao tác. Giáo viên chỉ xuất hiện khi người học kiến tạo tri thức. Tri thức là quyền lực, vai trò của giáo viên là trao đổi, thương lượng, tương tác để xác lập quyền lực ấy
- Trọng tài trong những trường hợp ý kiến tranh luận không ngã ngũ. Người học chỉ có thể và phải làm việc hợp tác với nhau. Học tập là tương tác, vận dụng kinh nghiệm của nhau để thực hành những trải nghiệm cá nhân.
- Tạo điều kiện và giúp người học nhận ra các quan niệm sai lầm của mình và tự giác khắc phục chúng.
- Trình bày tính hiển nhiên của các quan niệm khoa học.
- Tổ chức cho người học kiểm tra và vận dụng kiến thức thu nhận.
IV. Kết luận
Luận điểm con người tự khai sáng cho mình, con người tự làm ra chính mình đã được J. Piaget, người sáng lập ra phương pháp học tập tích cực, chứng minh một cách thuyết phục thông qua quãng đường trưởng thành của con người từ lúc sơ sinh cho đến khi phát triển. Ở nước ta, đã từng có những thế hệ bị ảnh hưởng của chiến tranh, của những điều kiện khó khăn, không có thầy, không có sách, không được đào tạo bài bản song họ vẫn có được năng lực hoạt động dồi dào, tạo nên những kỳ tích, những chiến công đáng kinh ngạc. Đó là nhờ các nỗ lực cá nhân. Chính họ đã tạo ra họ.
Kinh nghiệm quý giá mà các thế thế hệ đi trước để lại là, muốn tiến xa, muốn có năng lực thực sự thì cần phải thường xuyên tự học. Có tự học thì cái học mới sâu sắc. Cần gì thì học nấy; tìm mọi cách để mà thông hiểu.
Phương pháp dạy học này hoàn toàn dựa trên những luận cứ, những bài học sâu sắc đó của xã hội loài người.
Cũng cần nhận thấy rằng dạy học theo phương pháp này tuy đề cao, rất cao vai trò hoạt động của người học, nhưng không hề hạ thấp hay giảm nhẹ vai trò của giáo viên. Trái lại, ở đây, người giáo viên càng có vai trò quan trọng hơn và được chuyển đổi từ người truyền đạt kiến thức sang vai trò là người tổ chức, điều khiển, hướng dẫn hoạt động nhận thức.
ThS Tôn Quang Minh
LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT
ĐÀO TẠO NTIC
Địa chỉ: Đường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857
Email: daotaontic@gmail.com
Gửi bình luận của bạn