Truyện Kiều của Nguyễn Du được đưa vào giới thiệu tác giả tác phẩm và trích đoạn cho thầy cô giáo hướng dẫn học sinh cảm nhận phân tích trong chương trình Ngữ văn THCS và THPT. Đoạn thơ "Tài sắc chị em Thúy Kiều" được giảng dạy ở học kì 1 lớp 9 bậc THCS, trong đó có câu thơ Nguyễn Du tả Thúy Vân:
"Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang."
-Sách Nguyễn Du, TRUYỆN KIỀU của NXB Văn học 2002 không có chú thích câu thơ này.
Sách Ngữ văn lớp 9 tập 1 của NXB GD 2005 chú thích: (trích tr 82) "Nét ngài: lông mày, ý nói lông mày hơi đậm, cốt tả đôi mắt đẹp. Thành ngữ có câu: mắt phượng mày ngài."
Sách Giáo viên: hướng dẫn giáo viên giảng dạy câu thơ này: (trích tr 83) "Thủ pháp liệt kê: khuôn mặt, đôi lông mày nở nang, sắc nét, đậm như con ngài.)
Như vậy, sách Giáo khoa chú thích thế nào thì sách Hướng dẫn giáo viên giảng dạy thế ấy.
-Thưa các Gs, Ts viết sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9: Nguyễn Du viết ý thơ một đằng:"nét ngài"; các vị lại chú thích và hướng dẫn gv hs hiểu một nẻo: rằng "lông mày hơi đậm, nở nang, sắc nét, đậm như con ngài."
Ơ hay! Nguyễn Du nói "nét ngài" chứ ông có nói "lông mày nở nang sắc nét đậm" nhạt gì đâu khi tả vẻ đẹp cô Thúy Vân ? Hiểu như thế nó trái khoáy lắm với quan niệm về vẻ đẹp ở đôi lông mày của người phụ nữ. (đàn ông đi cắt tóc còn bảo thợ tém lông mày cho thanh gọn cơ mà) Phụ nữ xưa nay vẫn thích có vẻ đẹp đôi lông mày cong dài thanh mảnh. Vì thế các cô các chị thậm chí các bà vẫn luôn soi gương tỉa tót lông mày cho thanh mảnh cơ mà ! Chả có người phụ nữ nào mà lại thích trên khuôn mặt mình có "đôi lông mày nở nang" - nó cứ xòe to ra như cái chổi đâu nhé. Nếu Thúy Vân hay người con gái, phụ nữ nào mà có "đôi lông mày nở nang" như cái chổi rèng thế thì nó kì quặc lắm, nó sẽ xấu hơn cả Thị Nở nữa kia.
-Từ khi đưa truyện Kiều vào SGK giảng dạy cho hs, mời các vị Gs, Ts Ngữ văn hãy chịu khó bước ra khỏi tháp ngà phòng lạnh, quá bộ đi về quê hương Hà Tĩnh của Nguyễn Du để hiểu được tác giả đã đưa PHƯƠNG NGỮ Hà Tĩnh vào tác phẩm Truyện Kiều như thế nào.
Phương ngữ Hà Tĩnh gọi NGƯỜI là NGÀI, CON NGƯỜI họ gọi là CON NGÀI, "Con người gì lạ thế" họ nói thành "Con ngài gì lạ thế."
Việt Nam có câu tục ngữ nói về tuổi dậy thì: "Gái thập tam, nam thập lục." Con gái đến tuổi 13 dậy thì là cha mẹ lo gả đi lấy chồng. Có nhà nghiên cứu cho biết khi chị em Thúy Kiều Thúy Vân đi tảo mộ và gặp Kim Trọng, lúc này Thúy Vân đã đến tuổi mười ba dậy thì, cũng đẹp và cũng thầm yêu chàng Kim. Còn Thúy Kiều đã mười bốn tuổi rưỡi dạn dĩ xinh đẹp hơn em nên Thúy Vân đành im lặng. Mà Kim Trọng cũng chỉ yêu Thúy Kiều.
Nguyễn Du tả Thúy Vân có "nét ngài nở nang" là nhà thơ muốn nói Thúy Vân đã đến tuổi con gái dậy thì, cơ thể đã phát triển có ĐƯỜNG "NÉT" rõ ràng: má phính hồng, ngực nở, eo thon, mông nở, mắt biết yêu lúng liếng làm duyên; chứ không phải Nguyễn Du tả Thúy Vân có "đôi lông mày nở nang" như các Gs Ts Ngữ văn giảng giải trong sách GK và sách GV cho thầy trò dạy học Ngữ văn lớp 9 nói lại như thế xưa nay đâu.
Xin nói rõ thêm nữa: Tiếng Việt có từ MÀY NGÀI và NÉT NGÀI. Từ "mày ngài" là tiếng Việt phổ thông, âm "mày" đứng trước là âm chính. Lúc nào tả "lông mày" thì mới dùng từ "mày ngài." Ví dụ Nguyễn Du tả lông mày Từ Hải: "Râu hùm hàm én mày ngài."
Còn từ "nét ngài" là phương ngữ, âm "nét" đứng trước là âm chính. Lúc nào tả đường nét con người - nhất là đường nét người con gái, lúc đó mới dùng từ "nét ngài"
Tôi thấy đã hơn 70 năm các Gs Ts Ngữ văn, thầy cô giáo và học sinh dạy học môn Ngữ văn đã hiểu nhầm lẫn từ "nét ngài." Qua hơn 50 năm biết đọc biết viết và 45 năm được đọc sách và được thầy cô giảng giải từ "nét ngài" nghe ngồ ngộ. Nay tôi đưa ra cách hiểu của mình về "cái từ này", hầu mong nay dù ít hay nhiều, vẫn còn có người quan tâm chuyện dạy văn học văn chỉ giáo. Tôi xin cảm ơn nhiều.
Thầy Nguyễn Quang Phú
LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT
ĐÀO TẠO NTIC
Địa chỉ: Đường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857
Email: daotaontic@gmail.com
Gửi bình luận của bạn