NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM TẠI TRƯỜNG THPT NGUYỄN THƯỢNG HIỀN TP ĐÀ NẴNG

Trung tâm gia sư - dạy kèm tại nhà NTIC Đà Nẵng chia sẻ bài viết về NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM TẠI TRƯỜNG THPT NGUYỄN THƯỢNG HIỀN TP ĐÀ NẴNG

Ngày đăng: 27-07-2017

14,142 lượt xem

Kết quả hình ảnh cho co giao chu nhiem

I. Nguyên nhân

Trong cuộc đời đi dạy của chúng ta hầu hết ai cũng đều trải qua công tác chủ nhiệm, như lẽ thường của sự sống: phải thở, phải ăn, phải uống,…Để lớp chủ nhiệm có nề  nếp tốt thời gian công sức bỏ ra không ít so với vấn đề chuyên môn. Có lẽ nên xem lại thật sự công bằng công tác chủ nhiệm có phải là “kiêm nhiệm” không.  Có giáo viên dạy tốt nhưng làm chủ nhiệm chưa hẳn đã thành công. Ngoài  thời gian, sức lực, tình cảm, trí lực cần có, người giáo viên cần tích lũy thêm kinh nghiệm.

 

Để công tác chủ nhiệm được hiệu quả, giáo viên chủ nhiệm phải nắm bắt được một số nguyên nhân, những khó khăn thách thức để từ đó đề ra biện pháp thích hợp cho từng học sinh . Theo nhìn nhận của giáo viên trong tổ đối với cụ thể trường THPT Nguyễn Thượng Hiền như sau:

 

1. Nhiều học sinh chưa xác định mục đích của việc học tập, thiếu nghị lực, kiến thức cơ bản bị hổng nhưng không có ý thức cố gắng để vươn lên. Một số em chăm chỉ nhưng chưa có phương pháp học tập phù hợp nên kết quả học tập chưa đạt. Các em chưa mạnh dạn tiếp cận phương pháp giảng dạy mới của giáo viên ( sâu xa nhất là đầu vào thấp).

 

2. Hầu hết thiếu kĩ năng đọc, nghiên cứu tài liệu, kĩ năng ghi bài, ghi nhớ kiến thức. Nhiều em không biết viết bản tự kiểm điểm, bản kế hoạch cá nhân,… chứ đừng nói xa gì sau này viết không nổi đơn xin việc làm.

 

3. Không ít học sinh ham chơi, thiếu sự kiềm chế trước sự rủ rê của bạn bè, sa đà vào quán net bỏ học, lười lao động, đua đòi, không dám chấp nhận sự thật về xuất thân hoàn cảnh của mình.

 

4. Hoàn cảnh gia đình khó khăn: bố mẹ lo làm kiếm tiền không có thời gian quan tâm nhắc nhở con, phó mặc cho nhà trường, một số phụ huynh giao xe máy cho con đến trường.

 

Một số gia đình có hôn nhân không hạnh phúc, đổ vỡ, bạo lực gia đình. Các em sống trong môi trương thiếu lành mạnh đó thường thiếu tự tin, mặc cảm, chán nản học tập , kết quả học tập giảm sút rõ rệt.

Một số khác lại ở thái cực khác là tư tưởng bao bọc con kĩ quá, đặt nhiều kì vọng vào con, không cho con làm gì cả chỉ để tập trung cho con học vô tình đã  biến con thành “gà công nghiệp”, thiếu tự tin trong cuộc sống, tự lập kém. Khi có sự việc xảy ra một số phụ huynh thiếu hợp tác, chỉ nghe phản ánh một chiều từ con dẫn đến cư xử chưa đúng mực với giáo viên.

 

5. Một số ít giáo viên bộ môn quản lí tiết học chưa tốt, còn dễ dãi với học sinh (còn để học sinh nói chuyện, làm việc riêng, ngủ...) một số giáo viên lại quá khắt khe (đuổi học trò ra khỏi tiết khi chưa đến mức cần thiết, đứng phạt trên lớp, chép phạt…).

 

6. Một nguyên nhân (mà chưa có cuộc hội thảo nào dám nói ra) đó là áp lực tiêu chí về học lực của học sinh để đạt trường chuẩn quốc gia (kế hoạch đề ra là để giáo viên và học sinh phấn đấu theo hướng tích cực). Thực tế “ lực bất tòng tâm” không bột lấy gì gột nên hồ, hầu hết giáo viên ra đề kiểm tra dễ để học sinh làm bài được điểm cao Chính điều này vô tình chúng ta đang tạo ảo giác cho học sinh và phụ huynh bằng lòng với điểm số, không có chí vươn lên nữa (có học sinh đạt học sinh tiến tiến nhưng kì thi quốc gia bị điểm liệt môn Toán…). Chúng ta hãy nhìn nhận hiện tượng này một cách biện chứng, theo hướng tích cực.

 

II. Giải pháp

 

1. Sử dụng có hiệu quả tiết chủ nhiệm

Tránh: dành hết tiết để phạt, la mắng học sinh, điều này làm cho tiết chủ nhiệm áp lực, nặng nề . Ngược lại có lớp không có việc gì làm nên rất ồn.

Nên:  Phân tích cho học sinh thấy ý nghĩa của việc học tập quyết định lớp đến tương lai sau này của các em như thế nào. Giáo viên chủ nhiệm dành thời gian để tâm sự, chia xẻ, trang bị cho học sinh các kĩ năng cần thiết làm hành trang bước vào đời. Mỗi tuần nên cho mỗi tổ chuẩn bị một chủ đề liên quan đến tình huống, kĩ năng xảy ra trong đời sống hàng ngày (như về tình yêu ở tuổi học trò, hai mặt của công nghệ thông tin, cách ứng xử đúng mực đối với tình huống học đường …) để học sinh thảo luận theo hướng mở . Sau mỗi chủ đề thảo luận giáo viên chủ nhiệm cần gút ý chính. (làm được điều này các em sẽ rất hứng thú, tiết chủ nhiệm thành điều chờ đợi của học sinh)

 

2. Xây dựng tập thể lớp

Xây dựng lớp thành tập thể đoàn kết, thương yêu để các em có thể chia xẻ phương pháp học tập, em khá hơn giúp đỡ em yếu hơn, em có hoàn cảnh kinh tế khá hơn giúp đỡ em khó khăn hơn.Muốn làm được điều này đầu năm biên chế tổ cần xen kẽ em học khá, giỏi với em học yếu, kém, em ở xã này xen kẽ đều với em xã khác tránh cũng xã vào một tổ gây cục bộ. Hình thành đôi bạn cùng tiến trong lớp, phân công cụ thể em khá giỏi kèm em yếu hơn.

Đặt niềm tin vào cán sự lớp để các em thoải mái chia xẻ với giáo viên chủ nhiệm như những người bạn

 

3.  Phối hợp với phụ huynh học sinh

Cần đề ra qui tắc rõ ràng khi nào thì cần thông báo qua điện thoại, khi nào cần gặp trực tiếp, tránh trường hợp chỉ với khuyết điểm chưa đáng để gặp cũng mời PH đến làm họ mất thời gian. Dành thuận lợi cho phụ huynh, phải chuẩn bị kĩ nội dung trước khi gặp “ nói có sách, mách có chứng”. Cần có bản lĩnh trước phụ huynh.

 

Đối với phụ huynh có quan niệm lệch chuẩn cần thuyết phục cho họ hiểu tất cả vì sự tiến bộ của học sinh. Tư vấn cho phụ huynh chọn gia sư thích hợp để kèm con học (gia đình có điều kiện). Đối với những gia đình khó khăn thì động viên, chia xẻ, tạo điều kiện tốt nhất: miễn giảm các khoản đóng góp, phân công bạn học khá trong lớp học cùng để kèm cặp

 

4.  Đối với giáo viên đứng lớp

Ngoài việc tạo hứng thú cho học sinh trong học tập giáo viên cần nghiêm khắc với học sinh, đặc biệt không nên để học sinh nói chuyện làm ảnh hưởng đến các em xung quanh tiếp thu không có hiệu quả. Đánh giá điểm số của học sinh chính xác, khách quan cũng hết sức quan trọng: khích lệ em khá giỏi, em yếu kém phải lo học.

 

Đề kiểm tra trắc nghiệm cần soạn nhiều mã ,tránh trường hợp các em chỉ chờ để ghi đáp án mà không lo học cuối cùng điểm vẫn cao (đây là một trong những nguyên nhân làm cho học sinh lười biếng trong học tập).

 

5. Đối với học sinh cá biệt

Đây công việc đầy khó khăn, lấy đi thời gian, sức lực, trí lực,…của nhiều giáo viên. Học sinh cá biệt có nhiều trường hợp, cụ thể trong trường ta nhóm học sinh  sau đây có nhiều em: các em có trí tuệ và khả năng nhận thức bình thường nhưng rất lười biếng, lêu lổng nghiện ngập trong quán net, dẫn đến hổng kiến thức, hay quay cóp trong học tập. Kết quả học tập thất thường, sút kém, dẫn đến chán học. Những em này trong 3 năm học tâm trạng cứ trong vòng lẩn quẩn, nhiều lúc các em cũng muốn thay đổi chính mình nhưng không biết bắt đầu từ đâu.

Đối với nhóm học sinh này những điều  nên :

 - Không cô lập , xúc phạm và làm tổn thương danh dự các em  đối với tập thể.
 - Không quá khắc khe xử lý mạnh tay bằng những hình thức kỷ luật nặng nề, đe dọa, thành kiến không dùng lời lẽ nặng nề dao to búa lớn.

 - Kịp thời khích lệ , động viên những thay đổi theo chiều hướng tích cực của học sinh .dù nhỏ cũng đáng trân trọng và phải ghi nhận

 - Đặt mình vào vị trí là cha, là mẹ, là anh chị là người bạn để gần gũi, quan tâm, chia xẻ ,thông cảm và giúp đỡ vô điều kiện những điều có thể. Đối với những học sinh của trường NTH nguyên nhân sâu xa nhất là học yếu, mất căn bản nên phải xốc lại tinh thần học tập của các em bằng các cách gặp gỡ, trao đổi với các em về tâm tư nguyện vọng, gặp gia đình,người thân của các em để gia đình tạo điều kiện tốt cho các em. Đối với những gia đình không có điều kiện kinh tế thì giáo viên chủ nhiệm có thể liên hệ với GVBM hoặc bạn bè nhờ kèm cặp. Học sinh khi đã có kiến thức tinh thần em sẽ rất phấn khởi, nó như liều thuốc kích thích, em sẽ quên đi các trò chơi vô bổ khác. Đối với những gia đình có điều kiện thì tư vấn cho các em tìm gia sư kèm học.
 - Khích lệ các em khi em có sự chuyển biến dù nhỏ. Dù lỗi lầm lớn nhưng nếu em đó biết nhận lỗi và sửa lỗi thì tôi luôn tạo cho học sinh đó cơ hội tự làm chủ bản thân, có niềm tin nghị lực để vươn lên.

 - Tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể, dã ngoại, thể dục thể thao và các hoạt động khác để các em có thể thoát ra khỏi trò chơi điện tử.

 - Mạnh dạn giao việc cho những em này phù hợp với sở trường của từng em và giáo viên chủ nhiệm cần sâu sát, nhắc nhở.

 

III. Kết luận 

Sự nghiệp giáo dục ngày càng phát triển đòi hỏi học sinh càng cao về đạo đức,  kĩ năng, kiến thức, ngoại ngữ để hội nhập, đồng nghĩa với trọng trách của người thầy càng lớn. Để thành công trong công tác chủ nhiệm không có một công thức chung nào cho từng giáo viên, cho từng học sinh mà mỗi chúng ta phải tự nỗ lực, học hỏi kinh nghiệm để công việc chủ nhiệm trở thành niềm vui, không còn là gánh nặng cho nhà giáo nữa. Hãy trả về đúng nghĩa giáo viên đi dạy làm công tác chủ nhiệm không  chỉ là “kiêm nhiệm”.

 

Tổ Hóa THPT Nguyễn Thượng Hiền

 

LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT


ĐÀO TẠO NTIC 

Địa chỉĐường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857 

Email: daotaontic@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha