Tây Tiến là bài thơ bi hùng rất nổi tiếng của Việt Nam thời kháng chiến chống Pháp ở Vùng tây bắc nước ta. Có những câu thơ gây nhiều tranh cãi như: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc", "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới"...Sau đây là cảm nhận của thầy Nguyễn Quang Phú
Năm 1986 đất nước đổi mới toàn diện...
Năm học 1988 - 1989, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng được đưa bổ sung (phụ lục) vào chương trình chính khóa môn Ngữ văn lớp 12 phổ thông.
Đoàn quân Tây Tiến được thành lập đầu năm 1947 bên bờ sông Mã thuộc tỉnh Thanh Hóa. Chiến sĩ Tây Tiến phần đông là thanh niên sinh viên tiểu tư sản trí thúc Hà Nội, giàu lòng yêu nước thù giặc, sẵn sàng từ bỏ bút nghiên tham gia Tây Tiến, chiến đấu trong điều kiện vô cùng khó khăn gian khổ thiếu thốn và bị bệnh tật hoành hành trên địa bàn núi rừng rộng lớn từ Thanh Hóa đến Hòa Bình Sơn La Lai Châu và sang cả nước bạn Lào.
Quang Dũng là một Đại đội trưởng trong số những Đại đội của đoàn quân Tây Tiến. Cuối năm 1948, Quang Dũng chuyển sang đơn vị khác, ông viết bài thơ Tây Tiến để ghi lại cảm xúc, kỉ niệm đa sắc màu trong những năm tháng cùng đồng đội Tây Tiến sống và chiến đấu.
Với người yêu thơ và thế hệ những người đến tuổi 50 đã qua 32 năm được học bài thơ Tây Tiến - bài thơ đặc sắc nhưng có số phận như chính người sinh ra nó, ở đây tôi không đề cập tất cả. Tôi chỉ nói cảm nhận của mình về câu thơ:
"Tây tiến đoàn binh không mọc tóc"
-Trước hết, hãy nghe các Gs, Ts Ngữ văn - những đại trí thức viết trong sách hướng dẫn cho thầy cô giáo hiểu để giảng dạy cho học sinh: (trích Sách GV tập 1, NXB GD 2005, tr 89) "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc: Những người lính Tây Tiến cạo trọc đầu để thuận tiện khi đánh nhau giáp lá cà với địch."
Sách Ngữ văn lớp 12 tập 1 từ năm đầu tiên đưa bài thơ Tây Tiến vào chương trình giảng dạy, các Gs, Ts cũng chú thích: (trích tr 89) "Không mọc tóc: Lính Tây Tiến có nhiều người cạo trọc đầu để thuận tiện khi đánh nhau giáp lá cà với địch, chúng không thể nắm được đầu của mình."
Qua 15 năm, nhiều người góp ý, đến năm 2005, các Gs, Ts viết sách chỉ còn ghi chú thích : "Không mọc tóc: lính Tây Tiến có nhiều người cạo trọc đầu."
-Với khả năng tưởng tượng "siêu phàm siêu thực" của các Gs, Ts Ngữ văn viết SGK và SGV, rồi vừa chú thích vừa hướng dẫn cho thầy cô giáo và học sinh dạy và học như đã trích ở trên, liệu có thể đồng tình đồng ý được không ?
- Không thể bắt các Gs, Ts và thầy cô giáo dạy Ngữ văn các cấp phải có những năm tháng làm lính trong quân đội để có vốn sống thực tiễn khi nghiên cứu, giảng dạy tác phẩm. Thầy cô giáo nghiên cứu giảng dạy Ngữ văn muốn có vốn sống, vốn hiểu biết đời sống văn hóa mọi mặt của dân tộc và nhân loại thì phải chịu khó tìm sách đọc, cộng với khả năng hình dung tưởng tượng hình tượng văn học sao cho vừa phong phú đa dạng như người đồng sáng tạo với tác giả, nhưng phải đúng với thực tế cuộc sống mới thuyết phục được bạn đọc.
Tôi đã từng có những năm đi bộ đội thời đánh giặc Pôn Pốt Căm pu chia và giặc Mao Trung Quốc, chưa bao giờ tôi được học hay được nghe nói binh pháp quân đội Việt Nam từ hàng ngàn năm qua hay bộ đội ta thời đánh Pháp đánh Mĩ với vũ khí thô sơ gậy gộc giáo mác, thường xuyên đánh giáp lá cà với địch mà lại có chuyện lính "cạo trọc đầu để khi đánh giáp lá cà, đối phương không thể túm được đầu tóc."
Tôi đọc văn chương và lịch sử phương Tây cũng như Trung Quốc miêu tả quân đội của họ từ Cổ đại đến Trung đại, với những cuộc chiến đấu bằng vũ khí thô sơ, nhưng tuyệt nhiên không gặp một câu chữ nào trong sách miêu tả "lính cạo trọc đầu để ra trận đánh giáp lá cà."
Tôi xem tranh của các họa sĩ phương Tây vẽ người lính thời Cổ đại đến Trung đại trong những cuộc chiến đấu, nhưng chưa bao giờ thấy họa sĩ nào vẽ người lính cạo trọc đầu khi ra trận.
Đầu năm 2007, tôi đi mua quyển sách ALMANACH - NHỮNG NỀN VĂN MINH THẾ GIỚI (NXB VH - TT HN 2007, khổ 22 cm × 32 cm, dày 2416 trang, giá 500.000 đ). Đọc hết quyển sách, nhất là phần miêu tả bằng lời và tranh vẽ người lính quân đội các nước phương Tây đến phương Đông từ xưa đến nay, tuyệt nhiên không thấy lời văn hay tranh vẽ nào tả người lính cạo trọc đầu để khi ra trận đánh giáp lá cà, đối phương không nắm được đầu mình...
Vậy nên hiểu hình ảnh "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc" trong bài thơ thế nào đây cho nó logic, hiện thực ? Thực ra Quang Dũng muốn đặc tả nỗi gian khổ của người lính Tây Tiến trong buổi đầu cuộc chống Pháp. Họ thiếu tất cả, từ vũ khí cho đến cơm áo thuốc men. Họ chiến đấu trong địa bàn núi rừng rộng lớn trên biên giới hai nước Việt Lào, nỗi khổ thiếu cái ăn và muỗi mòng chốn núi rừng gây bệnh sốt rét hoành hành làm cho phần đông người lính Tây Tiến rụng hết tóc, có nhiều người không hi sinh vì bom đạn giặc mà chết vì bệnh tật. Gian khổ đến tận cùng như thế, nhưng những người lính Tây Tiến với lòng yêu nước thù giặc, họ vẫn lạc quan yêu đời và chiến đấu anh hùng để mong ngày toàn thắng.
Đứng trên đất bạn Lào, chiến sĩ Tây Tiến "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới" - gửi mộng mơ ước vọng ngày thắng giặc để trở về với đất nước quê hương, với cha mẹ và người thân ruột thịt yêu quí của mình.
Hình ảnh thơ đẹp như thế mà lại bị các Gs, Ts Ngữ văn hướng dẫn thầy cô giáo dạy cho học sinh rằng: (trích tr 89) "Mắt trừng gửi mộng: ánh mắt giận dữ".
Ơ hay ! Sao Quang Dũng viết về chiến sĩ Tây Tiến "Mắt trừng gửi mộng" đẹp đẽ trong sáng thế, mà các vị đại trí thức lại hiểu quẹo thành "ánh mắt giận dữ" - đã mộng mơ sao còn giận dữ, giận dữ ai trong giấc mộng để câu tiếp theo tác giả viết "Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" (?)
Trời đất ơi !?
Mở đầu năm học mới 2020 - 2021 đầy giặc giã virut Trung Quốc gây bệnh tật chết chóc khủng khiếp trên cả nước không kém gì nỗi gian khổ chết chóc của người lính Tây Tiến năm xưa, tôi ghi ra đây cảm nhận của mình về câu thơ đặc sắc trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, hầu mong ai còn chút quan tâm chuyện "Văn chương vô mệnh lụy còn vương" như Nguyễn Du từng viết, và chuyện giảng dạy văn chương trong nhà trường, bỏ chút thời gian đọc và chỉ giáo.
Thầy Nguyễn Quang Phú
LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT
ĐÀO TẠO NTIC
Địa chỉ: Đường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857
Email: daotaontic@gmail.com
Gửi bình luận của bạn