Môn Tiếng Việt có một vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với học sinh. Vì thế, làm thế nào để học sinh tự viết được một đoạn văn không phải là một vấn đề dễ dàng. Sau đây là giải pháp của Trung tâm gia sư - dạy kèm tại nhà NTIC Đà Nẵng giúp bé yêu của bạn học tốt môn học này.
Ngày đăng: 01-12-2018
4,670 lượt xem
I. Lời tựa
Trong nhà trường Tiểu học, môn Tiếng Việt có một vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với học sinh. Ngoài việc cung cấp cho các em những kiến thức cần thiết trong giao tiếp hàng ngày, môn Tiếng Việt còn giúp các em phát triển toàn diện, hình thành ở các em những cơ sở của thế giới khoa học, góp phần rèn luyện trí thông minh, hình thành tình cảm, thói quen đạo đức tốt đẹp của con người mới.
Phân môn Tập làm văn ở Tiểu học nói chung, lớp Hai nói riêng rèn cho học sinh các kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết phục vụ cho học tập và giao tiếp. Ngoài các dạng bài về các nghi thức lời nói tối thiểu, về một số kĩ năng phục vụ học tập và đời sống hàng ngày, phân môn Tập làm văn lớp Hai còn rèn cho học sinh kĩ năng diễn đạt thông qua các bài văn ngắn. Tuy nhiên do vốn từ của các em còn ít nên việc diễn đạt rất hạn chế, hầu hết học sinh chỉ nói được những câu ngắn, trả lời chưa đủ ý, diễn đạt rời rạc. Những bài tập viết đoạn văn ngắn chủ yếu được các em trình bày dưới dạng trả lời các câu hỏi gợi ý có trong bài hoặc dựa hoàn toàn vào văn mẫu. Các em thường lặp lại câu đã viết, dùng từ sai, chấm câu còn hạn chế; có em viết không đúng yêu cầu của đề bài hoặc viết không đủ ý…
II. Một số biện pháp hướng dẫn học sinh lớp Hai viết đoạn văn ngắn.
1. Giúp học sinh nắm được trình tự các bước khi viết một đoạn văn
- Viết câu mở đầu: giới thiệu về đối tượng cần viết (có thể diễn đạt bằng một câu).
- Phát triển đoạn văn: Kể về đối tượng. Có thể dựa theo gợi ý, mỗi gợi ý có thể diễn đạt từ 2 đến 3 câu tùy theo năng lực học sinh.
- Câu kết thúc: Có thể viết một câu thường là nói về tình cảm, suy nghĩ, mong ước của em về đối tượng trong bài hoặc nêu ý nghĩa, ích lợi của đối tượng đối với mọi người.
2. Giúp học sinh hệ thống hóa các kiến thức về bài tập viết đoạn văn ngắn trong chương trình Tập làm văn lớp Hai:
- Kể về người. Dạng này bao gồm các bài tập: Viết đoạn văn ngắn về cô giáo (hoặc thầy giáo); về một người thân, về anh, chị, em; về Bác Hồ; kể về gia đình.
- Kể về vật. Dạng này gồm các bài tập: Kể về một vật nuôi trong gia đình.
- Kể về một việc làm tốt.
- Kể về một mùa trong năm.
- Tả ngắn về biển.
3. Hướng dẫn học sinh biết cách quan sát sự vật.
Kỹ năng quan sát rất cần cho học sinh khi viết văn: Quan sát trên lớp theo gợi ý, hướng dẫn của giáo viên hoặc tự quan sát khi chuẩn bị bài ở nhà. Giáo viên cần khai thác kỹ tranh ảnh, hình ảnh, tập trung quan sát đặc điểm nổi bật của đối tượng, mục đích là giúp HS tránh được kiểu liệt kê. Bên cạnh đó, tôi cũng hướng dẫn HS cách quan sát bằng các giác quan để cảm nhận một cách có cảm xúc về sự vật.
4. Hướng dẫn học sinh viết câu văn đủ ý, đúng ngữ pháp.
Như đã nói ở trên, học sinh lớp 2 chưa được học về lý thuyết ngữ pháp, các khái niệm từ và câu được hình thành thông qua thực hành luyện tập. Chính vì vậy, việc tăng cường sử dụng phương pháp phân tích ngôn ngữ là rất cần thiết trong giờ học Tập làm văn. Sử dụng phương pháp này GV giúp HS nhận ra cấu tạo câu, nhằm giúp các em viết câu đúng, đủ bộ phận.
5. Hướng dẫn học sinh viết đoạn văn đủ ý, có hình ảnh, cảm xúc.
- Hướng dẫn học sinh làm miệng, trả lời miệng từng câu hỏi. Gợi ý cho học sinh trả lời bằng nhiều ý kiến khác nhau.
- Nhận xét, sửa chữa những câu trả lời chưa đúng, gợi ý cho các em thay thế các từ dùng chưa phù hợp (nếu có).
- Hướng dẫn học sinh sắp xếp các câu trả lời đó theo một trật tự hợp lý để hoàn chỉnh bài làm miệng.
- Cho một số học sinh làm miệng cả bài. Sau đó hướng dẫn học sinh viết liền mạch các câu trả lời thành một đoạn văn.
6.Thực hiện nghiêm túc việc chấm và chữa bài
Đây là việc làm hết sức cần thiết, giúp học sinh nhận ra lỗi sai để điều chỉnh, sửa chữa, hoàn chỉnh bài văn. Học sinh lớp 2 chưa được học và luyện tập nhiều về từ ngữ, ngữ pháp, chắc chắn trong bài viết của các em sẽ có nhiều lỗi sai. Trong quá trình chấm bài, GV phát hiện, giúp HS khắc phục, biết lựa chọn, thay thế các từ ngữ cho phù hợp. Đối với những bài làm có ý hay, giáo viên giúp học sinh gọt giũa, trau chuốt thêm cho bài văn được hay hơn.
Khi sửa bài, tôi giới thiệu những bài làm hay ở năm học trước, hoặc những bài hay của học sinh trong lớp cho các em tham khảo, từ đó học sinh nhận thấy sự khác nhau về cách diễn đạt trong cùng một đề tài để các em hiểu rằng những bài làm thể hiện suy nghĩ độc lập của cá nhân luôn được khích lệ và tôn trọng.
Trung tâm gia sư – dạy kèm tại nhà NTIC Đà Nẵng
LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT
ĐÀO TẠO NTIC
Địa chỉ: Đường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857
Email: daotaontic@gmail.com
Gửi bình luận của bạn