NHỮNG LỜI TRI ÂN GỬI ĐẾN THẦY CÔ GIÁO NHÂN NGÀY 20 - 11

Dù cuộc sống vẫn bộ bề khốn khó! Người thầy đến lớp thật giản dị, đơn sơ vẫn bảng đen, phấn trắng hôm nào thầy đã vẽ lên tâm hồn trẻ thơ những hình ảnh về cuộc sống thật đẹp và nên thơ mãi không phai trong kí ức của học trò.

Ngày đăng: 18-11-2016

2,698 lượt xem

Hình ảnh có liên quan

CẢM NHẬN CỦA EM VỀ THẦY CÔ GIÁO

“ Lặng xuôi năm tháng êm trôi

Con đò kể chuyện một thời rất xưa

Rằng người chèo chống đón đưa

Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều.”

Cuộc đời thầy đưa biết bao thế hệ trẻ qua dòng sông tri thức. Dòng sông vẫn cứ trôi, tóc thầy cũng đã bạc nhưng thầy vẫn vững tay chèo và hết lòng vì thế hệ trẻ. Bao nhiêu người khách đã sang sông? Bao nhiêu khát vọng đã vào bờ ? Bao nhiêu ước mơ đã trở thành hiện thực? Tất cả là nhờ bàn tay của thầy.

 Thầy đã dạy cho em biết bao điều , dạy cho chúng em cách làm người , đã truyền đạt tri thức cho chúng em , đã chuẩn bị hành trang cho chúng em bước vào đời.

 Thầy tốt bụng là thế, hiền lành là thế nhưng thầy đã phải khổ tâm vì chúng em nhiều. Đã có lúc chúng em nghịch phá lung tung , không nghe giảng bài , chúng em cũng hay cười đùa nói chuyện riêng trong giờ học nhưng biết làm sao được khi “ Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” Những lúc như thế thầy hay nghiêm khắc dạy dỗ chúng em nhưng cũng có lúc thầy ôn tồn như người cha dạy dỗ đứa con thơ bé bỏng.

 Chúng em biết rằng có nhiều lúc thầy đã thức trắng đêm không ngủ, thầy đã suy nghỉ nhiều cho bài giảng ngày mai đạt kết quả tốt và cũng suy nghĩ rằng làm sao cho lũ học trò chúng em trưởng thành hơn.

 Thầy luôn đồng hành cùng chúng em trong cuộc sống. Cả khi vui cũng như lúc buồn, ngay cả khi chúng em gặp khó khăn vấp ngã, thầy luôn là động lực, là người nâng đỡ và dìu dắt chúng em tiếp trên con đường học vấn. Con đường này xa lắm, trắc trở lắm, nó không phải là tấm lụa và cũng không được trải hoa hồng , nó đầy chông gai , thử thách nhưng đã có thầy ở bên , luôn bên cạnh giúp đỡ cho em. Chúng em luôn nhớ những câu nói, thầy dạy cho chúng em rằng “ thất bại là mẹ thành công”. Mỗi lần chúng em vấp ngã, chúng em lại rút ra được những bài học quý báu cho bản thân. Chắc chắn rằng sau này, trên đường đời. chúng em sẽ còn vấp ngã nhiều hơn thế nữa nhưng em sẽ biết tự mình đứng lên, tự khắc phục nó.

“ Mắc sai lầm , sữa lỗi, biết ăn năn

Con sẽ vững , trưởng thành trong cuộc sống…”

Thầy đến với chúng em không chỉ bởi truyền đạt tri thức nhưng thầy đem đến cả tấm lòng của mình, tận tụy, hết lòng vì chúng em. Thầy ơi - người đưa đò vĩ đại, thầy đã đến với chúng em, đã hy sinh thầm lặng cho chúng em, thầy chở nặng tình yêu đưa chúng em tới bờ. Thầy hi sinh cho chúng em nhiều quá, tất cả chỉ vì muốn chúng em nên người .

 Có nhiều lúc chúng em muốn nói “ Chúng em xin lỗi thầy” 

“Chúng em cám ơn thầy nhiều lắm …” nhưng sao không thể nói lên lời bởi vì chúng em biết công ơn của thầy cao cả lắm, lớn lao lắm, sao có thể diễm tả bằng lời được chứ.

 Thầy ơi! tháng năm cứ vô hình trôi, trôi mãi. Rồi chúng em sẽ phải rời xa mái trường yêu dấu, sẽ xa bạn bè và nhất là ra khỏi vòng tay che chở của thầy nhưng dù sao đi nữa những kỉ niệm của thầy, hình ảnh của thầy sẽ còn mãi trong em, những bài học của thầy em sẽ mang theo suốt cuộc đời .

 Dù mai này trưởng thành, dù đi đâu chăng nữa thì em vẫn luôn nhớ về thầy, luôn cám ơn thầy đã dày công dạy giỗ, đã hy sinh cho chúng em. Thầy không chỉ là người lái đò vĩ đại mà thầy còn là người cha kính yêu của chúng em.

“ Tháng năm dầu dãi nắng mưa

Con đò trí thức thầy đưa bao người

Qua sông gửi lại nụ cười

Tình yêu con gửi lại người cha thương….”

Nguyễn Thụy Đan Chinh

Kết quả hình ảnh cho CẢM NHẬN CỦA HỌC TRÒ VỀ THẦY CÔ TRONG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20 - 11

NGƯỜI TIẾP LỬA


Xin viết bài này dành tặng và tri ân cô – một người đặc biệt trong lòng tôi.

 

Tôi yêu quý văn chương và luôn có những rung cảm mạnh mẽ trước cuộc sống ngay từ những ngày còn bé, những ngày tôi nhớ mình đã ngồi trầm tư đọc đi đọc lại tác phẩm văn học đầu tiên trong đời, tác phẩm “Tôi đi học” của Thanh Tịnh và cảm thấy trong lòng như có “mấy cánh hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng”… 

 

Mẹ tôi là cô giáo đầu tiên trong cuộc đời dạy tôi môn Ngữ Văn. Tôi quen thuộc với những câu ca dao, tục ngữ, những làn điệu dân ca ngay từ thuở còn tấm bé qua lời ăn tiếng nói hằng ngày, qua giọng hát ru ngọt nhẹ, ấm áp của mẹ. Mẹ đã dạy tôi không bằng những kiến thức chuyên môn, không bằng tác phong sư phạm mà mẹ đã truyền cho tôi tình yêu quê hương xứ sở, tình yêu thương con người, cái tâm luôn hướng về chân – thiện – mỹ bằng chính cuộc sống hy sinh thầm lặng của mình, bằng tình yêu thương bao la vô bờ bến của trái tim người mẹ. Và tất nhiên, bước đến sau mẹ trong cuộc đời tôi, có biết bao thầy giáo, cô giáo đã dạy cho tôi biết cảm nhận cái đẹp, những góc nhìn cuộc đời dưới nhiều con mắt khác nhau mà tôi đều vô cùng ghi nhớ, mang ơn. Nhưng có lẽ người giáo viên mà tôi cảm thấy gần gũi, yêu thương như có sợi dây đồng cảm vô hình liên kết giữa tôi và cô chính là cô Nguyễn Thị Diệu Thu – cô giáo môn Ngữ Văn và cũng là cô chủ nhiệm của tôi năm học lớp Mười Một.

 

Lớp Mười Một, điều đó nghĩa là chỉ còn hơn hai năm nữa tôi sẽ kết thúc quãng đời học sinh, sẽ thi đại học và mở toang cánh cửa vào đời tuy vậy lúc ấy tôi vẫn chưa có một định hướng, một đam mê, một kế hoạch rõ ràng để theo đuổi trong tương lai. Tôi thích văn chương, tôi thích tìm hiểu và bơi sâu vào thế giới nội tâm con người nhưng cái sự thích thú đó có là đủ cho một nghề nghiệp suốt đời? Và câu hỏi quan trọng nhất là liệu theo đuổi nghiệp văn, tôi có đủ khả năng tự lo cho mình và gia đình mình sau này? Có lẽ vì vậy mà ngày đầu tiên bước chân vào lớp Mười Một, biết tin giáo viên chủ nhiệm là một cô giáo giảng dạy bộ môn Văn, tôi hơi hồi hộp, tò mò và có cảm giác thinh thích là lạ như linh cảm về một cô giáo mà sau này với tôi là một người tiền bối, một tri kỷ có cùng đam mê, một người đã giúp tôi tìm ra lối đi, một người trong gia đình, gần gũi và thân thuộc. Và khi cô vào lớp với tà áo dài thướt tha dịu dàng, tôi nhìn không chớp mắt…

Trong lớp, tôi vốn là một học sinh có sức học không xuất sắc và cũng không phải là tệ, một học sinh bình thường, không phát biểu nhiều, không phải là một học sinh năng nổ cũng không là một học sinh quá thụ động nên mối dây liên kết giữa tôi và cô Thu không đến từ những câu chuyện diễn biến “kịch tính” trong môi trường học đường như là một học sinh quậy phá được “cảm hóa”, hay một học sinh giỏi một lần vấp ngã và được cô giáo nâng dậy. Tình cảm của tôi dành cho cô đến từ những cử chỉ, những hành động, những hoàn cảnh và thậm chí là một ánh mắt nhìn rất đỗi đời thường mà có thể không ai thấy cụ thể những ảnh hưởng của cô lên cuộc đời tôi. Như tà 
áo dàixinh đẹp duyên dáng của cô khi cô bước vào lớp, cách đi đứng trên bục giảng, cách cầm quyển sách, cách giảng bài dịu dàng, cái nhìn cùng với nụ cười dễ thương của cô mỗi lúc cô bất ngờ nhìn tôi trong lúc cô đang nhìn bao quát cả lớp giảng bài say sưa,… Những hành động nhẹ nhàng ấy làm tôi thích mê và thần tượng cô lắm…

Tôi thích viết trải nghiệm lên trang giấy nhưng luôn tự ti với chính bản thân mình. Chính cô Thu là người đã khuyến khích, động viên tôi, ghi tên tôi vào đội tuyển dự thi Olympic môn Văn. Tôi đã được vào đội tuyển cấp Trường và cô Thu là một trong hai giáo viên bồi dưỡng bộ môn Văn khối Mười Một. Tôi đi học và thấy rất thích khi được làm việc nhóm, được học tập, thảo luận cùng với những người cô, những người bạn cùng chung sự yêu thích mà đặc biệt là sự yêu thích với bộ môn đòi hỏi nhận thức tâm hồn như môn Văn. Những ngày đi học luôn đầy ắp những cái nhìn mới lạ và sự sáng tạo, đam mê. Tôi như một nhà văn, một nghệ sĩ được thỏa sức khám phá, tìm hiểu. Tôi thỏa mãn với bản thân mình, với cuộc sống xung quanh, với gia đình, với bạn bè. Tôi thấy mình không còn là một học sinh bình thường học hành làn nhàn và không biết sau này mình sẽ phải làm gì. Tôi đã có sự hứng khởi mà cô đã khơi nguồn cho tôi. Tôi sẽ là một giáo viên dạy Văn, giống như cô, sẽ hằng ngày đến lớp chia sẻ những hiểu biết về thế giới nội tâm sâu sắc của con người, về những triết lý trong cuộc sống muôn màu, cách cảm thụ cái đẹp chân – thiện – mỹ cho những học sinh của tôi. Bằng tất cả nhiệt huyết của mình, biết đâu tôi cũng sẽ là một cô giáo truyền được sự đồng cảm cho một học trò nhỏ của mình giống như cô đã cho tôi một ngọn lửa – ngọn lửa theo đuổi những đam mê.

Trước ngày đi thi Olympic, giống như hai bạn còn lại cùng dự thi, tôi lo lắng và có phần hơi sợ sệt. Tôi lại tự ti với bản thân, sợ mình sẽ không đạt được kết quả. Nhưng cô Thu, cô đã nói với chúng tôi những lời động viên tuy không làm tôi hết lo lắng trong lúc đó nhưng làm tôi nhớ mãi đến sau này và thấy rất đúng với một học trò nhút nhát như tôi. Cô khuyên chúng tôi đừng lo, chúng tôi đã học hết sức trong những ngày qua, chúng tôi vào phòng thi chỉ có việc làm bài, và dù kết quả ra sao thì cũng không có gì quan trọng vì văn chương, nghệ thuật là những cảm nhận, những rung động sâu sắc trong tâm hồn của mỗi cá nhân mà không phải ai cũng nhìn thấy cụ thể được, là lắng sâu vào đáy tim, là để hướng đến cái đẹp trong cách cư xử, hành động trong cuộc sống hằng ngày. Thời gian sau này tôi ngẫm nghĩ và tình cờ đọc được lời nhận xét của nhà văn Mai Sơn về sự ảnh hưởng của tác giả Nguyễn Nhất Ánh đối với trẻ em, thấy đúng như lời cô nói. Giống như những hành động, những nét duyên dáng của cô với tà 
áo dài
 truyền thống, với cách giảng bài dịu dàng, ánh mắt hiền hậu cô nhìn tôi đã tác động đến tâm hồn tôi… “những ảnh hưởng ấy có thể đã lắng sâu vào tâm hồn các em thành những nét đẹp tự nhiên, những cảm thức ban sơ về đạo đức, những quy luật cơ bản của tình yêu… Đó là phương cách mà văn chương đích thực có thể ảnh hưởng lên tâm trí một con người.”

Cô Diệu Thu – một “mùa thu dịu dàng” bắt đầu năm học của tôi với những hướng đi mới, một cô giáo đã truyền cho tôi lửa đam mê, một người tri âm, một người “tiền bối” đã cho tôi hơn cả những kiến thức là những triết lý của văn chương, của cuộc sống, của cái đẹp giữa đời bao la rộng lớn này. Tôi mang ơn cô, cô như mẹ tôi, người mẹ thứ hai bên cạnh những kiến thức còn bằng chính những cử chỉ, những tình yêu thương đã tiếp thêm sức mạnh để tôi nhận ra chính bản thân mình. Tôi nhớ đến câu hát mẹ hay ngồi hát ngân nga trong lúc may quần áo, câu hát như lời mẹ, lời cô gửi gắm cho tôi, câu hát trong bài Con Cò:

“Lớn lên, lớn lên, lớn lên
Con làm gì?
Con làm thi sĩ
Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ
Trước hiên nhà
Và trong hơi mát câu văn…”

Cảm ơn cô, một người rất đặc biệt trong tim con…

Nguyễn Ngọc Như Phương

 

LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT


ĐÀO TẠO NTIC 

Địa chỉĐường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857 

Email: daotaontic@gmail.com

Bình luận (0)

Gửi bình luận của bạn

Captcha