Trung tâm luyện thi, gia sư - dạy kèm tại nhà NTIC Đà Nẵng giới thiệu phần HÓA HỌC VÀ VẤN ĐỀ THỰC PHẨM nhằm hổ trợ cho các bạn có thêm tư liệu học tập. Chúc các bạn học tốt môn học này.
Ngày đăng: 11-05-2018
3,406 lượt xem
1. Vai trò của lương thực, thực phẩm đối với đời sống của con người
* Nhận xét:
- Theo Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), nhu cầu calo tối thiểu của một người trung bình là xấp xỉ 1800 calo/ngày. Tuy nhiên chỉ tính lượng calo thôi chưa đủ mà cần một lượng chất đạm tối thiểu trong đó có 30% chất đạm có nguồn gốc động vật và 70% chất đạm có nguồn gốc thực vật, một lượng các vitamin nhất định có trong rau, quả.
- Ăn không đủ năng lượng hoặc thiếu chất dinh dưỡng sẽ làm cho cơ thể hoạt động không hiệu quả, sức khỏe yếu, chậm phát triển trí tuệ,... đặc biệt là đối với các phụ nữ đang mang thai và trẻ em. Thí dụ: Nếu thiếu iot sẽ gây kém trí nhớ, thiếu vitamin A sẽ gây bệnh khô mắt dẫn đến mù lòa, thiếu sắt dẫn đến bệnh thiếu máu.
* Kết luận:
- Lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, cung cấp năng lượng cho con người sống và hoạt động.
- Để đảm bảo duy trì sự sống thì lương thực, thực phẩm trong khẩu phần ăn hằng ngày cần đảm bảo đầy đủ theo một tỉ lệ thích hợp các chất bột (cacbohiđrat), chất đạm (protein), chất béo (lipit), vitamin, chất khoáng và các chất vi lượng.
2. Thực trạng nguồn lương thực, thực phẩm không an toàn cho nhân loại hiện nay
Nhân loại đang đứng trước thách thức lớn về lương thực, thực phẩm. Đó là
- Dân số thế giới ngày càng tăng nhất là ở những nước đang phát triển dẫn đến nhu cầu về lương thực và thực phẩm ngày càng tăng lên. Nhìn chung trên phạm vi toàn cầu, việc sản xuất lương thực, thực phẩm không đủ nuôi sống nhân loại. Ở châu Phi khoảng 1/4 dân số vẫn sống trong cảnh nghèo đói: khoảng 30 triệu người châu Phi đang bị nạn đói đe dọa.
- Trong khi đó, ở một số nước phát triển nhu cầu về ăn ngon và mặc đẹp ngày càng được đề cao. Ước tính có khoảng 15% dân số các nước mắc bệnh béo phì.
- Ngoài ra, diện tích trồng trọt ngày càng bị thu hẹp do bị đô thị hóa, do khí hậu trái đất nóng lên và thiên tai (mưa, bão, lũ lụt,...) ngày càng khắc nghiệt dẫn đến giảm sản lượng lương thực.
- Trong những năm gần đây, một số vấn đề vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đã xuất hiện gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người dân. Thí dụ: Sử dụng fomon để bảo quản bánh phở, nước mắm; Ướp cá biển bằng phân đạm; Sử dụng nước phế thải công nghiệp có các chất độc hại như một số ion kim loại nặng để tưới rau; Sử dụng chất hàn the (muối natri borat) để chế biến giò, bánh phở, bánh cuốn, bánh đúc,...
3. Hóa học đã góp phần giải quyết vấn đề lương thực, thực phẩm như thế nào?
- Hóa học đã góp phần nghiên cứu và sản xuất các chất hóa học có tác dụng bảo vệ, phát triển thực vật, động vật giúp tăng sản lượng, chất lượng và bảo quản tốt hơn. Ví dụ:
+ Sản xuất các loại phân bón hóa học có tác dụng tăng năng suất cây trồng như: Phân đạm, phân lân, phân kali, phân hỗn hợp, phân phức hợp, phân vi lượng,...
+ Tổng hợp hóa chất có tác dụng diệt trừ cỏ dại tạo điều kiện cho cây lương thực phát triển.
+ Tổng hợp hóa chất diệt nấm bệnh,... để bảo vệ cây lương thực tránh được dịch bệnh như: Etirimol, benoxyl, đồng sunfat,...
+ Sản xuất những hóa chất bảo quản lương thực và thực phẩm, làm chậm sự phát triển của vi khuẩn gây hại cho lương thực, thực phẩm.
+ Nghiên cứu chế biến thức ăn tổng hợp để tăng sản lượng chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản.
+ Chế biến thực phẩm nhân tạo hoặc chế biến thực phẩm theo công nghệ hóa học.
- Hóa học giúp thay thế nguồn nguyên liệu làm lương thực, thực phẩm dùng trong công nghiệp hóa học bằng nguyên liệu phi lương thực, phi thực phẩm. Ví dụ:
+ Thay thế tinh bột bằng hợp chất hiđrocacbon để sản xuất ancol etylic; thay thế việc sản xuất xà phòng giặt từ chất béo bằng sản xuất bột giặt tổng hợp.
+ Sản xuất glucozơ từ những chất thải như vỏ bào, mùn cưa, rơm rạ,...
+ Tổng hợp chất béo nhân tạo (bơ magarin) từ axit stearic và glixerol, sự chuyển hóa dầu (chất béo lỏng) thành bơ, mỡ (chất béo rắn),....
+ Chế biến protein từ protein tự nhiên.
- Cùng với ngành công nghệ sinh học, hóa học đã góp phần tạo nên những chất hóa học giúp tạo nên những giống mới có năng suất cao hơn. Ví dụ: Người ta đã nghiên cứu tạo nên giống mới như ngô, đu đủ, khoai tây, cà chua, lúa có khả năng sinh trưởng tốt cho năng suất cao, chất lượng tốt hơn.
- Hóa học đã góp phần tạo nên những thực phẩm riêng dành cho những người mắc bệnh khác nhau. Ví dụ: Thực phẩm dành ho những người ăn kiêng như bánh, sữa, đường,...
- Ngành hóa thực phẩm cũng đã chế biến được nhiều loại sản phẩm làm tăng tính thẩm mĩ và hấp dẫn của thực phẩm. Ví dụ: Chế biến đồ hộp để tạo nên vị ngon và bảo quản tốt những thực phẩm cho con người; Một số loại hương liệu, phụ gia thực phẩm làm cho thực phẩm thêm hấp dẫn bởi màu sắc, mùi thơm nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay đã sản xuất được 200 chất phụ gia cho thực phẩm.
Trung tâm luyện thi - gia sư - dạy kèm tại nhà NTIC Đà Nẵng
LIÊN HỆ NGAY VỚI CHÚNG TÔI ĐỂ BIẾT THÊM THÔNG TIN CHI TIẾT
ĐÀO TẠO NTIC
Địa chỉ: Đường nguyễn lương bằng, P.Hoà Khánh Bắc, Q.Liêu Chiểu, Tp.Đà Nẵng
Hotline: 0905540067 - 0778494857
Email: daotaontic@gmail.com
Gửi bình luận của bạn